Lùi cải cách tiền lương từ 1.7.2022 đến khi có văn bản hướng dẫn
Sau 2 lần lỡ hẹn tăng lương vào tháng 7.2020 và tháng 7.2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đa số cán bộ, công chức, viên chức mong đợi năm 2022 sẽ có thông tin, quy định tốt hơn, lương cơ sở tiếp tục tăng trở lại để phần nào đáp ứng nhu cầu chi phí leo thang từng ngày.
Tuy nhiên, cuối năm 2021, ngày 13.11.2021 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 34/2021/QH15 nhằm điều chỉnh các chính sách tiền lương phù hợp với tình hình thực tế. Căn cứ theo Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết 34/2021/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 nêu rõ:
“1. Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995”.
Như vậy, đối với nhóm đối tượng là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ thực hiện lùi cải cách tiền lương từ 1.7.2022 đến khi có văn bản hướng dẫn chính thức. Theo chỉ đạo thì việc lùi cải cách tiền lương sẽ không kéo dài quá lâu, nếu không sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống người lao động, cán bộ, công chức, viên chức.
Với cán bộ, công chức, viên chức, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất là từ 1.7.2019, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng lên mức 1.490.000 đồng.
Dưới đây là thống kê mức lương cơ sở qua các năm từ ngày 1.5.2012 đến ngày 31.12.2021.
Tiền lương không đủ tái tạo sức lao động và không có tích lũy
Trao đổi với PV Lao Động, TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Uỷ ban Xã hội) - phân tích: Hiện mức lương của cán bộ công chức, viên chức vẫn tính theo công thức sau: Tiền lương = Hệ số lương x Mức lương cơ sở + các khoản phụ cấp - các khoản đóng BHXH, khác (nếu có). Trong đó, mức lương cơ sở 2022 là 1,49 triệu đồng/tháng. Hiện chưa có thông báo chính thức về việc thay đổi mức lương cơ sở và mức lương cơ sở này được duy trì từ ngày 1.7.2019 đến nay.
Hiện nay, với ngạch công chức, mức lương cao nhất là của chuyên gia cao cấp với hệ số 10,0 và mức lương thấp nhất là nhân viên bảo vệ kho dự trữ với hệ số là 1,35. Tương ứng với mức lương công chức thấp nhất từ 2,0115 triệu đồng và cao nhất là 14,9 triệu đồng. Lương của viên chức cũng được căn cứ vào hệ số lương và mức lương cơ sở với công thức tính như lương của công chức. Theo đó, mức lương viên chức từ 2,2 triệu đồng đến 11,9 triệu đồng.
Như vậy, bất cập không chỉ trong thiết kế hệ thống thang bảng lương, mức lương, mà còn ở các loại phụ cấp theo lương, vì có đến 18 loại chưa hợp lý, vì lương chính lại thấp hơn hoặc bằng phụ cấp không phân định rõ bản chất của tiền lương. Đáng nói là tiền lương công chức hiện nay mới chỉ đảm bảo khoảng 50-60% nhu cầu, không đủ tái tạo sức lao động và không có tích lũy, không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ.
Theo TS Bùi Sỹ Lợi, Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương đã xác định việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức... thực hiện vào tháng 7.2021, nhưng dịch COVID-19 kéo dài, chủ trương này liên tục phải lùi.
Hiện mức lương thấp nhất của công chức đại học chỉ gần 3,5 triệu đồng. Trong khi đó, lương đủ sống của lao động ở TP.Hồ Chí Minh năm 2020 phải đạt ít nhất 7,5 triệu đồng mỗi tháng, theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động.
"Do đó, muốn cho cán bộ công chức sống được bằng lương thì Nhà nước cần phải chuẩn bị nguồn lực cho cải cách tiền lương theo quan điểm tiền lương là biểu hiện hình thái của giá trị, giá cả sức lao động trên thị trường, dựa trên nguyên tắc phân phối theo lao động" - TS Bùi Sỹ Lợi nói.