Tôn giáo phát huy nguồn lực đồng hành cùng cả nước chống đại dịch

TS. LÊ THỊ LIÊN - VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO BAN TÔN GIÁO CHÍNH PHỦ |

Khi dịch bệnh bùng phát ở đợt 4, bằng cách này cách khác các tổ chức tôn giáo trong cả nước đều tham gia vào công tác phòng chống dịch COVID-19. Các chủ trương, chính sách đã khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm xã hội của khối tôn giáo Việt Nam trong đại dịch.

Trách nhiệm xã hội với đất nước, dân tộc

Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 năm 2021, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra lời kêu gọi toàn thể tăng ni, phật tử chung tay cùng các ngành, các cấp và chính quyền địa phương trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, tuyệt đối thực hiện quy định 5K, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi tăng ni, phật tử trong và ngoài nước tích cực tham gia ủng hộ cho “Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19” và hỗ trợ cho đồng bào gặp khó khăn tại các vùng dịch.

Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Hòa thượng Thích Thiện Nhơn kêu gọi tăng ni, phật tử tiếp tục đóng góp, ủng hộ vật tư, trang thiết bị y tế cho TPHCM và các địa phương đang đối diện với khó khăn do số lượng F0 ngày một tăng nhanh. Hòa thượng cũng ghi nhận, biểu dương sự đóng góp của tăng ni, phật tử cho Quỹ vaccine, các công tác từ thiện trong khu vực cánh ly, phong tỏa và giãn cách xã hội.

Giáo hội đã vận động và mua 10 máy thở đa năng với tổng trị giá 6.700.000.000 đồng trao tặng TPHCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An.

Sóc Trăng tổ chức lễ khởi hành chuyến xe nông sản hỗ trợ nhân dân TPHCM. Ảnh: MTTQVN
Sóc Trăng tổ chức lễ khởi hành chuyến xe nông sản hỗ trợ nhân dân TPHCM. Ảnh: MTTQVN

Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có 690 tăng, ni, phật tử tình nguyện tham gia các hoạt động hỗ trợ cho lực lượng chức năng chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn. Những đóng góp trên vừa là tấm lòng hảo tâm của chức sắc, nhà tu hành và tín đồ phật giáo trong cả nước, nhưng cũng là trách nhiệm xã hội của phật giáo với đất nước, dân tộc.

Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam đã ủng hộ Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh 1,1 tỉ tiền mặt vào quỹ vaccine, 100 máy thở, 300 suất quà bằng tiền mặt trị giá 150 triệu đồng cho lực lượng công nhân vệ sinh môi trường quận Tân Bình.

Hưởng ứng Thư kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhiều giáo phận đã tổ chức các hoạt động vận động, quyên góp ủng hộ cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: Tòa Giám mục giáo phận Vinh ủng hộ 3 tỉ đồng và 60 tấn lương thực, thực phẩm, rau quả cho thành phố Hồ Chí Minh; Tòa giám mục Phan Thiết đóng góp 10.000 lít nước mắm và 15 tấn Thanh Long vào vùng dịch.

Đã có 181 tu sĩ đến hỗ trợ ở 3 bệnh viện trong Thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 23.8 có 87 tu sĩ hoàn thành nhiệm vụ về cách ly và giáo phận bổ sung tiếp 171 tu sĩ thiện nguyện đến nơi cần hỗ trợ. Giáo phận Đồng Nai có 88 tu sĩ, 4 linh mục... tình nguyện giúp đỡ các nhân viên y tế chống dịch trên địa bàn. 

San sẻ vất vả với lực lượng tuyến đầu chống dịch

Với vai trò chăm lo đời sống tinh thần cho tín đồ và được tín đồ tin tưởng thì mỗi hành động đúng của chức sắc, chức việc, nhà tu hành, nhất là người đứng đầu giáo hội trong đại dịch sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ thông điệp chống dịch trong cộng đồng tôn giáo. Điều này không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là trách nhiệm đối với sự tồn tại của chính tôn giáo.

Vận động các tôn giáo tiếp tục tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Ảnh: Thy Thơ
Vận động các tôn giáo tiếp tục tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Ảnh: Thy Thơ

Khi đất nước gặp khó khăn thì tiềm năng, nguồn lực trong mỗi con người, mỗi tổ chức được bọc lộ, được phát huy. Điều đó cho thấy nguồn cội dân tộc, nghĩa đồng bào luôn ẩn sâu trong tâm thức của mỗi tín đồ tôn giáo người Việt. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng trong công tác phòng chống dịch.

Có thể nói, bên cạnh việc đóng góp bằng vật chất thì việc đóng góp nguồn nhân lực chất lượng của các tôn giáo đã góp phần cùng các tình nguyện viên cả nước giúp đỡ cho y, bác sĩ chăm sóc người bệnh được tốt hơn, san sẻ vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Đây cũng chính là điểm mạnh của các tôn giáo, nhiều trong số họ không chỉ được đào tạo cơ bản về chuyên môn mà hơn hết là tinh thần phục vụ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đã trở thành truyền thống, là tinh thần từ bi, bác ái, chân thiện mỹ trong giá trị của mỗi tôn giáo.

TS. LÊ THỊ LIÊN - VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO BAN TÔN GIÁO CHÍNH PHỦ