Phát biểu khai mạc Hội thảo tham vấn Nam - Nam về chấm dứt tâm lý ưa thích con trai, hạ thấp giá trị con gái, và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới ngày 4.10, tại Hà Nội, Giám đốc Văn phòng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Bjorn Andersson đánh giá, Việt Nam đã đạt được thành tích rất tốt trong việc giải quyết tình trạng ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới trong suốt 15 năm qua, TTXVN đưa tin.
Việt Nam có nhiều mô hình hiệu quả, kể cả trong lĩnh vực xây dựng chính sách, sửa đổi pháp luật như Luật Dân số, Luật Bảo hiểm xã hội và các chương trình sáng tạo như chương trình Làm cha trách nhiệm.
Ông Bjorn Andersson khẳng định, những thành tích trên đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia kiểu mẫu phù hợp cho mục đích hợp tác Nam - Nam (hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và công nghệ giữa các nước đang phát triển).
Khoảng 140 triệu phụ nữ “không được sinh ra”
Theo Giám đốc Văn phòng UNFPA khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, hiện nay có khoảng 140 triệu phụ nữ được cho là “không được sinh ra” trên khắp thế giới do tâm lý ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Đây là biểu hiện phổ biến của bất bình đẳng giới và phân biệt giới tính.
Từ những năm 1980 đến những năm 1990, thế giới chứng kiến tỷ lệ các bé trai được sinh ra cao hơn khoảng 25% so với các bé gái được sinh ra ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh, Nepal, Azerbaijan, Armenia và Gruzia.
Cảnh báo “Tình trạng lựa chọn giới tính đang ngày càng gia tăng ở mức báo động vì nó phản ánh vị thế thấp kém và hạ thấp giá trị phụ nữ và trẻ em”, đồng thời ông Bjorn Andersson nhấn mạnh: “Chúng ta cần hiểu rõ rằng tâm lý ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới trước hết là vấn đề bất bình đẳng giới và vi phạm quyền con người của phụ nữ”
Giám đốc Văn phòng UNFPA khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho biết, trẻ em gái và phụ nữ thường xuyên bị hạ thấp giá trị. Họ tiếp tục phải đối mặt với sự phân biệt đối xử do vai trò và tiềm năng bị hạ thấp tới mức nhiều gia đình ở nhiều xã hội không chọn việc có con gái.
Trong khi đó, khả năng tiếp cận công nghệ sinh sản hiện đại, thực tế là một nhân tố tích cực, nhưng việc sử dụng công nghệ không đúng kèm với quan điểm phân biệt đối xử, thực hành có hại về giới, đồng thời với những tác nhân khác như di cư, đã làm cho các thực hành có hại càng trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia.
Việc mất cân bằng giới tính đã gây ra những tác động tiêu cực đối với phụ nữ, trẻ em gái cũng như xã hội của các quốc gia phổ biến tình trạng này, như ngày càng gia tăng tình trạng bạo lực tình dục, buôn bán người.
Trong bối cảnh đó, ông Bjorn Andersson nêu rõ, UNFPA một lần nữa kêu gọi sự quan tâm hơn nữa và đẩy mạnh nỗ lực xây dựng các chính sách, dữ liệu, bằng chứng và thực hiện các chương trình nhằm chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử trên cơ sở giới, bao gồm cả tâm lý ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.
Hệ lụy khôn lường từ mất cân bằng giới tính
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, tại Việt Nam, bình đẳng giới là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, đồng thời là nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, xây dựng quốc gia ổn định, đồng thuận và phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, sự chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam có xu hướng giảm, song vẫn còn ở mức cao. Năm 2021, tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam là 112 bé trai/100 bé gái, và theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê điều tra năm 2019, đến năm 2034 Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới tuổi từ 15-49 và tới năm 2059, con số này lên đến 2,5 triệu người (tương ứng với 9,5% dân số).
Để kiểm soát tỉ số giới tính khi sinh theo mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, Việt Nam đã tăng cường hoàn thiện và thực thi các chính sách, pháp luật, triển khai nhiều giải pháp can thiệp nhằm giải quyết vấn đề này như Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030…
Việt Nam cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh các giải pháp liên quan đến tuyên truyền, vận động để thay đổi tư tưởng “trọng nam, coi thường nữ giới”, vốn cũng được đề cập tại Điều 5 của Công ước Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Công ước CEDAW), theo đó các thành viên tham gia Công ước phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp nhằm sửa đổi khuôn mẫu văn hóa, xã hội về hành vi của nam giới và nữ giới, nhằm đạt được việc loại trừ các thành kiến, phong tục, tập quán dựa trên tư tưởng cho rằng “giới này hơn, giới kia kém”, hoặc dựa trên những kiểu mẫu dập khuôn về vai trò của nam giới và nữ giới.
“Sự mất cân bằng giới tính khi sinh nếu không có sự can thiệp tích cực ngay từ bây giờ sẽ để lại những hệ lụy khôn lường cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc và cũng tác động nghiêm trọng đến bất bình đẳng giới, đến sự tiến bộ và vị thế của người phụ nữ trong xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trong hai ngày 4 và 5.10, các đại biểu đến từ các nước Armenia, Azerbaijan, Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Gruzia và Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về việc xây dựng các kế hoạch hành động cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu nhằm ngăn chặn tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, từ đó góp phần tăng cường hợp tác xuyên biên giới, hợp tác Nam - Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và quyền về giới, để có thể đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.