Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội xác định là khâu đột phá, góp phần tạo nền tảng quan trọng để Thủ đô thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực còn thiếu và chất lượng chưa đồng đều đang là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ.\
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho biết, hiện nay, vấn đề về nguồn lao động, đào tạo lao động để đáp ứng được những hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ thể doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Vân, Hà Nội, cũng như Việt Nam là một nền kinh tế mở, thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, các doanh nghiệp trong hiệp hội cũng chịu sự cạnh tranh rất lớn về vấn đề thu hút người lao động.
"Với những doanh nghiệp trong hiệp hội, phải gắn chặt hoạt động sản xuất kinh doanh, hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn Thủ đô. Chúng tôi đang nỗ lực hợp tác với các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề để đào tạo sinh viên theo nhu cầu đặt hàng cụ thể từ phía các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ", ông Vân thông tin.
Theo ông Vân, với nhu cầu thiết thực nhất của doanh nghiệp thì hiệp hội sẽ kết nối giữa các doanh nghiệp với nhà trường, để làm sao cung ứng nguồn lao động, đặt hàng nhân lực làm việc có kỹ thuật, tay nghề cao đã qua đào tạo.
Việc làm này vừa giảm chi phí đào tạo mới và đào tạo lại nhân lực cho các doanh nghiệp; mặt khác, sinh viên các trường có cơ hội tiếp cận với các kiến thức thực tế, từ đó mở ra nhiều cơ hội việc làm khi ra trường.
Còn Nhà giáo Ưu tú, TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, mỗi năm nhà trường tuyển sinh khoảng 2.000 học viên để đào tạo nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao của các doanh nghiệp, khu công nghiệp.
Để đảm bảo các tiêu chí có tay nghề, ra trường là có việc thì học viên sẽ được vừa học vừa hành, học đến đâu thực hành đến đó.Sinh viên sẽ được nghiên cứu, sản xuất làm ra sản phẩm có khả năng thương mại hóa. Việc doanh nghiệp tham gia sâu với nhà trường sẽ tạo ra những trung tâm đào tạo, hợp tác giữa hai bên. Từ đó, nhà trường cũng được doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, chuyên gia giỏi để xây dựng chương trình, đào tạo trực tiếp.
Theo ông Khánh, ngoài đào tạo các loại hình ngắn hạn, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đây là những khóa giúp nâng cao trình độ người lao động, chuyển giao khoa học công nghệ. Việc này sẽ giúp nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khắc phục khó khăn bởi thiếu hụt nguồn lực lao động chất lượng cao. "Trong bối cảnh công nghệ thay đổi thường xuyên, liên tục, thì việc cập nhật, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao kiến thức kỹ năng cho người lao động là nhu cầu sơ lược. Để đáp ứng yêu cầu đó, chúng tôi sẽ có kế hoạch hợp tác chặt chẽ hơn để thu thập nhu cầu, yêu cầu của doanh nghiệp" - ông Khánh nhấn mạnh.Ngoài việc đào tạo nhân lực công nghiệp hỗ trợ, nhà trường cũng dạy nghề miễn phú cho thanh niên, học viên khuyết tật với thời gian kéo dài từ 3-4 tháng. Mỗi khóa học từ 25-30 học viên, có thể dạy luôn cho cả phụ huynh đưa con đi học.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận, tỉ lệ học viên có việc làm đạt trên 85%. Khi bắt tay vào công việc, đa số học viên đều được đánh giá có kỹ năng tốt, quyết tâm làm việc cao và đáp ứng được yêu cầu công việc.