Các hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng để vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo pháp luật
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 29.4, Phó Phát ngôn Đoàn Khắc Việt đã trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước Báo cáo năm 2021 của Uỷ ban Tự do Tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) cho rằng Việt Nam tiếp tục vi phạm tự do tôn giáo, tín ngưỡng.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Những điều này đều được quy định rõ ràng trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế.
Hiện nay, ước tính 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có trên 25 triệu tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau (chiếm khoảng 27% dân số, riêng Công giáo có trên 7 triệu tín đồ, Tin Lành có trên 1 triệu tín đồ).
Nhà nước Việt Nam cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo tiến hành giao lưu, hợp tác quốc tế. Thực tiễn đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam hết sức phong phú và sinh động. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.
"Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo tình hình tự do tôn giáo thế giới 2021 của Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Mỹ đã đề cập đến những nỗ lực và tiến triển tích cực trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo vẫn còn một số nội dung, đánh giá thiếu khách quan, không công bằng dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình tại Việt Nam. Tại Việt Nam, các hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng để vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo pháp luật" - ông Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói thêm, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Mỹ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ và toàn dân
Cũng trong cuộc họp báo, Phó Phát ngôn Đoàn Khắc Việt giải đáp các câu hỏi của báo giới về vấn đề Biển Đông. Về phản ứng của Việt Nam trước thông tin cho rằng lực lượng dân quân biển của Việt Nam hoạt động trên Biển Đông, gần quần đảo Hải Nam, Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã đe dọa lực lượng thực thi pháp luật và an ninh quốc phòng của Trung Quốc, ông Đoàn Khắc Việt nêu rõ: "Chúng tôi bác bỏ những thông tin không đúng về lực lượng dân quân tự vệ biển của Việt Nam".
"Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ và toàn dân. Theo Luật Dân quân tự vệ năm 2019, dân quân tự vệ biển là một thành phần của lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển đảo.
Dân quân tự vệ biển và các lực lượng chức năng khác hoạt động trên biển tuyệt đối tuân thủ luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982" - ông Việt nhấn mạnh.
Trong diễn biến liên quan về Biển Đông, trước thông tin tàu Sơn Tây Sơn Đông và tàu đổ bộ tấn công Hải Nam của Trung Quốc ngày 28.4 đã tiến vào Biển Đông, Phó Phát ngôn Đoàn Khắc Việt tuyên bố: Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, mọi hoạt động trên biển cần được tiến hành trên cơ sở Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển tại các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước.
"Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp để thực hiện mục tiêu và nguyện vọng chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế về việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, thượng tôn pháp luật tại Biển Đông" - ông nói thêm.
Cũng trong cuộc họp báo, về thông tin cơ quan chức năng của Malaysia bắt 3 tàu cá Việt Nam với cáo buộc đánh bắt trái phép trên vùng biển nước này, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia liên hệ ngay với các cơ quan chức năng sở tại để đề nghị đối xử nhân đạo với các ngư dân, đồng thời xác minh các thông tin liên quan và chủ động thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.
Ông Đoàn Khắc Việt thông tin thêm: "Việt Nam cũng đề nghị phía Malaysia cung cấp đầy đủ các tài liệu, bằng chứng liên quan đến tàu cá nói trên để có cơ sở chuyển cho các cơ quan chức năng trong nước điều tra, xử lý nếu có vi phạm".
Theo Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam nhất quán chủ trương phát triển đánh bắt cá theo hướng bền vững, chú trọng bảo tồn phát huy các nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và hợp tác quốc tế.
Ngư dân Việt Nam luôn được tuyên truyền, giáo dục về việc phải tôn trọng pháp luật Việt Nam và các quốc gia, cũng như cam kết quốc tế liên quan của Việt Nam, không xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia ven biển khác được xác lập theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.