Tới dự có Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An.
Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu và Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy.
Văn hóa công nhân là "văn hóa doanh nghiệp" trong mỗi người công nhân
Các nội dung được tập trung thảo luận gồm sự cần thiết xây dựng văn hoá doanh nghiệp, văn hoá công nhân; thực trạng văn hoá doanh nghiệp hiện nay và giải pháp xây dựng, phát triển văn hoá doanh nghiệp; cách thức xây dựng văn hoá doanh nghiệp, sự tham gia của người lao động trong xây dựng văn hoá doanh nghiệp; quan hệ giữa văn hóa doanh nghiệp với việc làm, thu nhập và thực hiện chế độ, chính sách và xây dựng quan hệ lao động; các giải pháp nâng cao đời sống văn hoá tinh thần và sức khoẻ cho công nhân; văn hoá doanh nghiệp và sự thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động của Công đoàn tại doanh nghiệp; văn hoá doanh nghiệp góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Ông Trần Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Hội thảo là diễn đàn rất có ý nghĩa nhằm làm sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung của việc xây dựng và lan toả văn hoá doanh nghiệp; làm rõ thực trạng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng văn hoá trong công nhân, hướng đến xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh; qua đó góp phần tiếp tục cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và triển khai hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, ngày 24.11.2021.
Theo TS.Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu Văn hoá - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, văn hoá công nhân, tức một thành viên của doanh nghiệp, thì được hiểu là "văn hóa doanh nghiệp" thẩm thấu trong mỗi người công nhân. Nói ở chiều ngược lại, mỗi người công nhân cùng một lúc sở hữu, thực hành, hưởng thụ văn hóa doanh nghiệp (gồm giá trị quan hệ giá trị và hệ thống qui phạm hoạt động). Đó là hai chiều biện chứng của văn hóa công nhân và văn hóa doanh nghiệp.
Cũng bởi vậy, văn hoá công nhân cần coi trọng cả hai nội dung (hệ giá trị và hệ thống qui phạm) và tính hai chiều trong quan hệ văn hoá công nhân - văn hóa doanh nghiệp. Chính văn hoá công nhân quyết định sự thành bại của quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, ngược lại văn hóa doanh nghiệp được xây dựng từ văn hoá công nhân và cung cấp lại một môi trường văn hóa doanh nghiệp cho công nhân được hưởng thụ.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Theo ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần TKG Tae Kwang Vina, để xây dựng và lan tỏa văn hóa doanh nghiệp, Ban Giám đốc Công ty và Ban Chấp hành Công đoàn Tae Kwang Vina đã thống nhất xác định văn hoá doanh nghiệp sẽ được thể hiện thông qua hành vi, niềm tin, thái độ, cách thức xử lý công việc của toàn thể các thành viên từ công nhân lao động tới lãnh đạo doanh nghiệp.
Vì vậy muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp, mọi người cần hiểu rõ các nội dung phải thực hiện và lan tỏa. Cụ thể, xác định các trụ cột chính cần phải lan tỏa trong công nhân lao động gồm: Xây dựng văn hóa an toàn nhằm tạo dựng môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động, an toàn trong sản xuất, di chuyển và sinh hoạt; xây dựng nguyên tắc ứng xử của tất cả các thành viên; tối đa hóa giá trị cho khách hàng thông qua hệ thống kiểm soát chất lượng hoàn hảo và giảm chi phí giá thành; nâng cao phúc lợi cho người lao động bằng các chương trình, chính sách tối ưu cho người lao động; phát triển bền vững doanh nghiệp gắn với trách nhiệm cộng đồng.
Trao đổi tại Hội thảo, bà Bùi Ngọc Điệp - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết Viettel có ý thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ rất sớm. Bởi Viettel nhận thức nếu không có văn hóa thì doanh nghiệp sẽ khó tồn tại lâu dài và đặc biệt là gặp nhiều thách thức khi phát triển nhanh. Các giá trị văn hóa của Viettel được đưa vào quy trình và hệ thống để cán bộ nhân viên thực hành hàng ngày. Để cài đặt văn hóa số vào tổ chức bên cạnh các hệ thống và công cụ vận hành, Viettel còn xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá để đưa việc thực hành các giá trị văn hóa số vào trong tổ chức và lượng hóa thành các chỉ tiêu cụ thể. Từ đó chỉ dẫn cho cán bộ nhân viên hành động.
Hội thảo là hoạt động thiết thực, cụ thể của các cấp công đoàn chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu là lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Uỷ ban Văn hoá của Quốc hội; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, các trường Đại học; lãnh đạo các Tổng Cục, đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các Ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn và một số Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương; lãnh đạo một số doanh nghiệp.