Ông Nguyễn Đình Khang – Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, Tổng LĐLĐVN đã ban hành các chính sách rất sớm để chăm lo cho đoàn viên và người lao động. Từ đợt dịch thứ nhất tới đợt dịch thứ ba, Tổng LĐLĐVN đã ban hành các chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn với mức 500.000 đồng/người. Còn dịp Tết Nguyên đán vừa qua hỗ trợ mức 1 triệu đồng/người, mức đặc biệt khó khăn hỗ trợ 2 triệu đồng/người.
Trong đợt dịch thứ tư bùng phát, Tổng LĐLĐVN đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động là F0 hỗ trợ 3 triệu đồng, F1 hỗ trợ 1,5 triệu đồng; F2 và các công nhân lao động trong khu vực bị cách ly phong toả là 500.000 đồng/người và những người không may bị tử vong được hỗ trợ 5 triệu đồng/trường hợp.
Tổng LĐLĐVN cũng hỗ trợ cho lực lượng y bác sĩ, kể các y bác sĩ được tăng cường; các bệnh viện TƯ, lực lượng vũ trang, tuyến đầu chống dịch là 1 triệu đồng/người. Hỗ trợ cho công nhân lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp là 1 triệu đồng/người. Đóng góp vào Quỹ vaccine của Chính phủ...
Theo ông Nguyễn Đình Khang, tổng chi tại bốn cấp Công đoàn trong thời gian qua là trên 2.000 tỉ đồng và dự kiến sẽ chi khoảng 4.000 tỉ đồng. Riêng Công đoàn Đồng Nai thời gian qua cũng đã chi 84 tỉ đồng để chăm lo cho đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
“Thực tế đi kiểm tra tại Khu công nghiệp Biên Hoà 2 tôi thấy tổ chức các doanh nghiệp 3 tại chỗ lúc đầu chưa chặt chẽ, xuất hiện F0, ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý của NLĐ. Tuy nhiên, sau một thời gian, đến nay đã có 1.257 doanh nghiệp với 137.000 lao động đang thực hiện “3 tại chỗ”. Thực tế kiểm tra các doanh nghiệp và NLĐ đang thực hiện rất nghiêm các quy định về sản xuất “3 tại chỗ”” – ông Nguyễn Đình Khang cho biết.
Ngoài ra, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang cũng trình bày các ý kiến, phản ánh của NLĐ, DN mong muốn gửi tới Thủ tướng Chính Phủ và lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương.
Theo đó, hiện nay NLĐ và DN rất mong được tiêm vaccine để doanh nghiệp hoạt động sản xuất “3 tại chỗ”. Ngoài ra, thời gian thực hiện “3 tại chỗ” quá lâu gây khó khăn cho DN và tâm lý NLĐ.
“Do đó, đã có các doanh nghiệp muốn thay thế người đã thực hiện “3 tại chỗ” quá lâu, và họ cũng cam kết sẽ thực hiện nghiêm các quy định về cách ly, xét nghiệm… nếu đủ điều kiện mới vào sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay cũng chưa được các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai chấp thuận” – ông Nguyễn Đình Khang cho biết.
Ngoài ra, hiện nay một số NLĐ thực hiện “3 tại chỗ” tại một số DN có khuôn viên rộng rãi, có thể bố trí các hoạt động thể thao như: đá cầu, cầu lông, bóng chuyền… nhưng các DN chưa dám tổ chức vì bị phạt; Một số công nhân lao động hết thời hạn cách ly tập trung nhưng khi về nhà trọ thì nhà trọ bị cách ly phong toả khiến họ không có chỗ ở; Thời gian giãn cách dài nên NLĐ cũng mong muốn tiếp tục nhận được các gói hỗ trợ tiếp theo...