Hiện nay, có hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài - đây là một thị trường giàu tiềm năng mà thời gian qua hầu như còn chưa được quan tâm khai thác hiệu quả.
Trong những năm qua, người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển cho ngành du lịch. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm có khoảng 700 nghìn đến 1 triệu lượt kiều bào về nước, tương đương với lượng du khách Nhật Bản, thị trường khách du lịch lớn thứ 3 của Việt Nam.
Thế hệ kiều bào lớn tuổi hầu hết đã ổn định cuộc sống, có tài sản tích lũy, có thời gian, nhu cầu đi du lịch, nghỉ dưỡng ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, thế hệ trẻ được sinh ra, lớn lên, được đào tạo trong môi trường văn hóa, giáo dục của nước ngoài, là thế hệ kế cận, sẽ chiếm vai trò chủ đạo trong các hoạt động kinh tế, xã hội của cộng đồng; xu hướng về Việt Nam làm ăn, thăm thân, du lịch, tìm hiểu cội nguồn… sẽ ngày càng gia tăng.
Tại hội thảo về thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển du lịch, vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Quý Phương - Trưởng phòng Xúc tiến Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam - cho biết, từ khi Việt Nam chính thức khôi phục lại hoạt động du lịch (15.3.2023), 6 tháng đầu năm đã có hơn 6,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
Cục Du lịch cùng với các địa phương đang xúc tiến nhiều hoạt động nhằm thu hút khách du lịch, trong đó có bà con kiều bào. Nhiều chính sách nhằm quảng bá du lịch Việt Nam tới bạn bè quốc tế thông qua hoạt động du lịch của kiều bào đã được triển khai như việc mời gọi hợp tác đầu tư về Việt Nam với các dự án về du lịch, thông qua bà con kiều bào quảng bá du lịch Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Ông Hoàng Đình Thắng - Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt tại châu Âu - cho rằng, hiện tại, số lượng người Việt tại châu Âu đã lên hơn 1 triệu người, nhu cầu về du lịch thăm quê hương rất cao, nhưng các hãng hàng không Việt Nam chưa có nhiều đường bay thẳng từ các nước châu Âu về Việt Nam và tần suất các chuyến bay còn nhiều hạn chế, nên bà con mong muốn Nhà nước ký kết với các quốc gia ở châu Âu để có thêm nhiều chuyến bay thẳng từ Việt Nam đến các nước này.
Đây là một trong những yếu tố tạo điều kiện để thúc đẩy bà con trở về quê hương nhiều hơn và góp phần cho ngành du lịch nước nước nhà, ông Thắng kiến nghị.
Bà Hồng Shuranis - kiều bào tại Israel - chia sẻ kinh nghiệm về “Vai trò của kiều bào đối với phát triển du lịch cũng như kinh nghiệm thu hút du lịch kiều bào của Israel”.
Bà cho biết, Israel rất quan tâm đến các kiều bào trẻ, có những chính sách tạo điều kiện đón các kiều bào trẻ về đất nước tham quan tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc qua những di tích lịch sử, đồng thời thông qua đó họ có thể tìm kiếm những tài năng trẻ về đóng góp cho đất nước.
Bà cho rằng, mô hình du lịch cội nguồn và thu hút tài năng trẻ của Israel rất hiệu quả mà Việt Nam có thể học tập.