Thông qua đổi mới sáng tạo, Việt Nam có thể trở nên giàu có thịnh vượng
Tại Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập" diễn ra chiều 23.9, ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam - cho rằng: Hội nghị ngày hôm nay chính là phản ánh lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính về tầm quan trọng và đóng góp của khoa học công nghệ (KHCN) trong việc giải quyết những vấn đề thách thức về kinh tế - xã hội.
Thứ nhất, chương trình quốc gia giúp cho các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp tạo kết nối với nhau. Thứ hai, đưa ra những hợp tác để tăng cường quan hệ giữa các bên liên quan. Thứ ba, hỗ trợ các bên trung gian, các đơn vị chuyển giao công nghệ. Thứ tư, là nâng cao năng lực cho doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ mới.
Chia sẻ về một số ví dụ về thương mại hóa sản phẩm KHCN, như wifi - là một sản phẩm được thương mại hóa bởi đội ngũ khoa học của đội ngũ khoa học của Australia; quy trình xử lý polyme để in tiền cũng là công nghệ được Australia thương mại hóa.
"Bài học ở đây là có nhân tài, có ý tưởng chưa đủ mà chúng ta phải có cả chính sách nữa. Đó chính là mục tiêu của Hội nghị này. Thông qua đổi mới sáng tạo, Việt Nam có thể trở nên giàu có thịnh vượng" - ông Andrew Goledzinowski nói.
WB cam kết hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển KHCN ở Việt Nam
Tại hội nghị, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, để duy trì hiệu quả kinh tế thì Việt Nam cần không ngừng đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo là cách để duy trì, đẩy mạnh năng suất.
Theo đại diện WB, các nước cần có phản ứng kịp thời với sự tiến bộ của KHCN vì nó sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, chế tạo. Các nước cũng phải ứng phó với biến đổi khí hậu và đặc biệt là thông qua đổi mới sáng tạo, cũng như là có những phương pháp sản xuất mang tính xanh hơn, bền vững hơn.
Có rất nhiều thách thức mà các nước cũng đang phải đối mặt - với Việt Nam là cơ cấu chính sách chưa được thống nhất một cách tối ưu. Hiện chưa có nhiều chính sách để thúc đẩy công ty khởi nghiệp sáng tạo; mới có thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển, và rất nhiều chương trình hỗ trợ chưa có sự kết nối, vẫn còn rời rạc.
"Hầu như chưa có doanh nghiệp tiên phong nào trong lĩnh vực công nghệ - dù tôi hiểu là Việt Nam cũng rất tham vọng để có thể nắm bắt cơ hội từ cách mạng 4.0. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp chưa đạt tiêu chuẩn 3.0 và còn rất nhiều việc để làm" - đại diện WB nêu ý kiến.
Theo đại diện WB, Việt Nam cũng đưa ra các ưu đãi thuế, nhưng Việt Nam có thể làm nhiều hơn nữa để có thể thúc đẩy sự phát triển của thị trường KHCN. Ông cho rằng, có những chương trình toàn cầu mà Việt Nam có thể xem xét tham gia.
Hiện nay Việt Nam đang ở nhóm 2, nhóm ở tầm trung bình liên quan tới năng lực áp dụng công nghệ.
Liên quan đến chính sách, đại diện WB nêu một số khuyến nghị chính sách.
Thứ nhất là tái cân bằng các chính sách đổi mới. Việt Nam vẫn đang khuyến khích những hoạt động nghiên cứu phát triển.
Ông cũng cho rằng, có thể xem xét những cách để có thể hỗ trợ cho "vườn ươm". Việt Nam không cần tăng "vườn ươm" mới nhưng cần hỗ trợ cho các "vườn ươm" đã có sẵn để có thể gia tăng chất lượng của mình cũng như đầu ra của mình.
Đại diện WB cho hay, cần có những hệ thống đánh giá phù hợp và cũng cần đánh giá nhu cầu của Việt Nam trong việc liên quan đến đổi mới sáng tạo. Có nghĩa Việt Nam cần phát triển các tài sản cần thiết như hạ tầng cơ sở dữ liệu số, trí tuệ nhân tạo, dự liệu lớn. Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa vào tài sản quan trọng này.
"Ngân hàng thế giới cam kết hỗ trợ Việt Nam để có thể thúc đẩy sự phát triển KHCN ở Việt Nam" - đại diện WB nói.