Sẽ giám sát tại TPHCM và Hà Nội
Sáng 23.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Trưởng Đoàn giám sát, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, kế hoạch đi giám sát đã được tính toán kỹ. TPHCM và Hà Nội thì buộc phải đi vì đây là hai địa phương lớn, còn các vùng khác, mỗi vùng sẽ chọn 2-3 tỉnh, tổng cộng lại tối thiểu 8 tỉnh, tối đa 12 tỉnh.
Còn Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhắc đến bối cảnh vụ Việt Á đang có tác động rất lớn, cần tập trung giám sát các nguồn lực, việc huy động nguồn lực chống dịch ở cả trong và ngoài nước.
Ông Cường cho rằng, cần có các tổ đi sâu đi sát để nắm thông tin về việc huy động nguồn lực ở nhiều nơi.
"Như vừa rồi các tổ giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi địa phương cũng có rất nhiều vấn đề, đi mấy đợt mới ra được chứ đi thoảng qua thì không hiệu quả. Nên chăng thành lập các tổ như vậy, còn lãnh đạo đến chỉ để kết luận thôi. Tránh nghe một chiều báo cáo mà không có thông tin nhiều chiều" - ông Cường góp ý.
Rõ trách nhiệm giải trình
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nói đến giám sát của Quốc hội cuối cùng là nói đến trách nhiệm giải trình. Trách nhiệm giải trình đây được hiểu là đối tượng được giám sát đã thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa?
“Mặt nào tốt, mặt nào tồn tại yếu kém và trách nhiệm của anh thế nào, trách nhiệm ở đây là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm theo quy định pháp luật, trách nhiệm hành chính. Kể cả sai phạm thì có đề xuất cơ quan khác biện pháp xử lý” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đoàn giám sát không nên đi sâu vào kiểm đếm các con số mà tận dụng kết quả của cơ quan thanh tra, kiểm toán để xem những vấn đề gi cần làm rõ thêm, sâu hơn. Trong huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước thì tập trung vào các vấn đề trong nước.
Ở trong nước, vấn đề test, kit các cơ quan kiểm toán, thanh tra đã làm. Do đó, trong giám sát nên tập trung vào vấn đề vaccine qua cơ chế Covax, việc phân phối sử dụng, mua như thế nào, có đúng không, phân phối sử dụng ra sao.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần đi sâu hơn rồi đánh giá vaccine, vật tư y tế trong nước quản lý và sử dụng thế nào. Như vaccine Nanocovax cuối cùng thế nào, kết quả của việc nghiên cứu kết quả thử nghiệm ra sao khi hiện nay đang lo dịch chồng dịch, như có dịch cúm, dịch đậu mùa khỉ.
Việc tự lực, tự cường trong công tác phòng chống dịch rất quan trọng, phải xem thực hiện đến đâu. Nhất là vấn đề mà Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra chưa làm rõ. Vì thế, trong giám sát làm sao để tránh chồng chéo, trùng lắp. Như thế sẽ tránh được lãng phí nguồn lực và không cần thiết.
Bên cạnh đó, cần xem xét việc quản lý, sử dụng nguồn lực Nhà nước, ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, ngân sách dự phòng. Còn nguồn viện trợ qua Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã có báo cáo đánh giá, nên hệ thống lại để đề xuất giải pháp tới đây cho tốt hơn.
Qua giám sát phải trả lời rõ những vấn đề tới đây đầu tư cho y tế cơ sở dự phòng thế nào. Các trung tâm CDC sắp xếp theo Nghị quyết 19 ra sao. Trước đây, có địa phương có hơn 10 trung tâm tầm soát bệnh dịch bệnh, kể cả thú y thì giờ sắp xếp sáp nhập ra sao.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, kiểm tra việc sử dụng Quỹ khám chữa bệnh, lấy Quỹ khám chữa bệnh làm y tế dự phòng là không đúng. Kiểm toán vào cuộc là ra ngay. Cứ thấy kết dư là chi cho y tế dự phòng là không đúng vì "đã dùng hết ngân sách đâu".
Do đó, cần phân tích, đánh giá rủi ro trong từng lĩnh vực để đánh giá chính sách trong thực hiện gắn với giải trình chứ không rải đều. Tránh việc hết thanh tra nơi này, thanh tra nơi kia, rồi lại đến giám sát.