An cư nhưng chưa lạc nghiệp
Anh Phạm Minh Tùng (29 tuổi, ngụ khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn) cho biết: “Trước đây gia đình tôi làm rẫy, trồng chôm chôm. Từ khi dời tới nơi ở mới nhường đất xây dựng sân bay, tôi chưa được hỗ trợ đào tạo công việc mới, phải đi làm công nhân ở khu công nghiệp kế bên khu tái định cư”. Ngoài anh Tùng, nhiều người dân khác, đặc biệt là những người lớn tuổi cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc tại nơi ở mới.
Để triển khai Dự án sân bay Long Thành, đã có 5.000 hộ dân với tổng số hơn 15.500 nhân khẩu trong vùng dự án bị ảnh hưởng. Trong số này, khoảng 9.700 người ở độ tuổi lao động (15-60 tuổi) cũng bị ảnh hưởng theo. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực này là nhiệm vụ cấp bách hiện nay, được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quan tâm chỉ đạo.
Năm 2017, tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân thuộc dự án sân bay Long Thành. Sau khi đề án được phê duyệt, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở LĐTBXH phối hợp triển khai. Tuy nhiên, các hồ sơ đăng ký của người dân chủ yếu là học nghề lái xe ôtô hạng B2.
Đến nay, việc đăng ký học lái xe người dân cũng không mặn mà do chỉ được hỗ trợ 3 triệu đồng/khóa, trong khi chi phí thực tế thời điểm đó từ 11-15 triệu đồng/khóa học. Thống kê năm 2022: Chỉ có 121 người dân trong vùng dự án đăng ký học lái xe B2.
Đào tạo nguồn nhân lực làm việc trong sân bay cũng gặp khó
Theo dự báo, nhu cầu nhân sự và lao động làm việc trong khu vực sân bay Long Thành là 13.769 người. Nhu cầu lao động tập trung vào các nghề: Khai thác thiết bị kỹ thuật nhà ga, kỹ thuật bay; sửa chữa bảo trì thiết bị; điều hành sân bay, quản lý xăng dầu, quản lý an ninh, thợ kỹ thuật, điện, vận tải hàng không, tài chính kế toán, công nghệ thông tin...
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai - cho biết: Nhân sự phục vụ cho ngành hàng không là một nghề đặc thù có điều kiện về đảm bảo an ninh và an toàn. Sở LĐTBXH đã có văn bản đề nghị Viện Khoa học - Công nghệ Hàng không Việt Nam hỗ trợ xây dựng Đề cương và dự thảo Dự án đào tạo nhân lực hàng không chất lượng cao phục vụ sân bay Long Thành nhưng đến nay chưa nhận được văn bản trả lời.
“Nhân sự vào làm tại sân bay phải được đào tạo chuyên ngành, không phải trường Cao đẳng, Trung cấp nghề nào trên địa bàn tỉnh cũng có thể đào tạo được” - bà Hiền nói.
Theo Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai, ở Đồng Nai, ngoài trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn chưa phối hợp, liên kết được với các đơn vị đủ điều kiện đào tạo nhân lực cho sân bay Long Thành.
Năm 2023, trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 ký kết hợp tác với Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) nhằm đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng không. Hai bên sẽ phối hợp đào tạo nhân lực 4 ngành nghề, tuyển sinh trong năm học 2023-2024 gồm: nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; nhân viên điều độ, khai thác bay; nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không... Nhưng điều kiện sinh viên đạt trình độ Anh văn TOEIC 450 thì mới được học các môn chuyên ngành hàng không.
Về các giải pháp trong thời gian tới, Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai cho biết, sẽ tham mưu UBND tỉnh kế hoạch làm việc với Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam và các công ty sử dụng lao động để kết nối các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh với các hãng hàng không, các đơn vị có chức năng đào tạo chuyên ngành hàng không nhằm liên kết hoặc phối hợp đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh phục vụ cho sân bay Long Thành.