Phụ nữ vùng đồng bào dân tộc phát triển kinh tế gia đình

NGUYÊN ANH |

Kiên GiangPhụ nữ vùng đồng bào dân tộc Khmer đã được tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức, từ đó mạnh dạn thay đổi phát triển kinh tế gia đình.

Ấp Kênh Làng Đông, xã Đông Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) có 355 hộ, với hơn 1.300 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc Khmer là 82 hộ, 312 khẩu. Chi hội phụ nữ có 54/89 chị hội viên là người dân tộc thiểu số.

Từ năm 2021 đến nay, đã đó nhiều hộ gia đình bao gồm gia đình hội viên phụ nữ được hỗ trợ về vốn vay sản xuất, phát triển kinh tế.

Gia đình chị Nguyễn Thị Trúc Linh (SN 1985) - Hội viên phụ nữ ấp từng là hộ khó khăn về kinh tế. Cách nay 1 năm, 4 khẩu trong gia đình sống chủ yếu bằng nguồn thu nhập từ nghề đi biển của chồng. Các khoản chi tiêu và sinh hoạt phí để lo cho con đi học không đảm bảo, thiếu trước hụt sau.

Sau khi trở thành hội viên phụ nữ, chị Linh được tham gia sinh hoạt chi hội và biết về các chương trình tư vấn, hướng nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật.

Tiếp thu những kiến thức hay, chị Linh bàn bạc với chồng thực hiện mô hình trồng màu trên diện tích đất hơn 6.000 m2 được người thân cho thuê. Nhờ cần cù, chịu khó vợ chồng chị đã phủ xanh mảnh đất với đủ loại cây trồng như mướp, cải, mồng tơi, bí rợ, đậu bắp, hành,...

"Bình quân mỗi ngày thu nhập hơn 200.000 đồng, thời điểm chính vụ thu nhập từ 400 đến 500.000 đồng/ngày", chị Linh cho hay.

Anh Danh Phước, chồng chị Trúc Linh chia sẻ: “Trồng màu thì có phần cực công chăm sóc nhưng bù lại thu nhập ổn định. So với đi biển thì đỡ hơn mình chăm lo gia đình được. Ngoài ra gia đình cũng tận dụng diện tích ao để nuôi thả cá trê”.

Hộ gia đình chị Thị Diễm, ngụ ấp Kênh làng Đông cũng từng gặp khó về nhà ở. Gia đình chị thuộc diện khó khăn, không ruộng đất sản xuất, chỉ sống bằng nghề ghe cào không ổn định. Năm 2023 được sự hỗ trợ của Nhà nước với số tiền 40 triệu đồng, cộng thêm 40 triệu đồng do Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay thuộc chương trình phát triển kinh tế-xã hội miền núi và vùng đặc biệt khó khăn dân tộc thiểu số, gia đình đã có thể xây dựng ngôi nhà mới.

Gia đình chị Diễm đã an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống. Ảnh: Xuân Nhi
Gia đình chị Diễm đã an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống. Ảnh: Xuân Nhi

Chị Thị Diễm tâm sự: "Giờ an cư, lạc nghiệp, có nhà ổn định gia đình không còn nhiều lo lắng như trước. Cả gia đình cùng vượt khó, vươn lên làm ăn ổn định cuộc sống".

Chị Nguyễn Thị Thu – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Kênh Làng Đông nhận định: nhờ thực hiện mô hình mà giờ đây kinh tế gia đình các chị có những đổi thay rõ rệt, đời sống ổn định hơn trước.

“Không chỉ giúp gia đình no ấm, tiến bộ hơn mà còn góp phần cùng địa phương trong thực hiện công tác giảm nghèo và nâng cao vị thế phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số’, chị Thu chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Nhanh – Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Thái cho biết: Thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, quản lý 5 tổ vay vốn và tiết kiệm, với tổng dự nợ hơn 14 tỉ đồng hỗ trợ hơn 220 hộ vay vốn thuộc các chương trình tín dụng được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ủy thác. Trong đó, hỗ trợ người dân là đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các mô hình chăn nuôi, phát triển mô hình tôm-lúa, kinh doanh nhỏ… với số tiền tối thiểu là 20 triệu đồng/hộ, tối đa là 100 triệu đồng/hộ.

Ngoài ra các cấp hội phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em và thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi. "Bước đầu đã có tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò, sự tham gia của những người có uy tín tại cộng đồng trong thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân", chị Nhanh thông tin.

NGUYÊN ANH