Sử dụng đúng mục đích, công khai để nhân dân giám sát
Tối 17.10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Chính phủ tổ chức chương trình truyền hình, phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022. Chương trình được tổ chức với chủ đề “Hành trình của Hy vọng”, hành trình của sự lắng nghe, sự giúp đỡ, chia sẻ yêu thương, tự lực vươn lên thoát nghèo, và sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng đối với người nghèo.
Tham dự chương trình có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang...
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, dành nguồn lực lớn, đầu tư phát triển kinh tế xã hội ở vùng còn nhiều khó khăn; thực hiện đồng bộ các giải pháp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Theo ông Chiến, vẫn còn một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, những người bị thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, những người mắc bệnh hiểm nghèo, người yếu thế… còn nhiều khó khăn, rất mong muốn nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng và xã hội.
Ông Đỗ Văn Chiến kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam, các nhà hảo tâm trong cả nước, phát huy truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, người có của giúp của, người có công giúp công; có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít, đồng tâm, hiệp lực giúp đỡ người nghèo, người yếu thế và những địa bàn đặc biệt khó khăn.
MTTQ Việt Nam cam kết quản lý, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, công khai, minh bạch để nhân dân và các tổ chức, cá nhân giám sát.
Có nhiều cách để giúp đỡ những người nghèo
Tại chương trình, các đại biểu đã được nhìn lại một số kết quả mà công tác giảm nghèo đã đạt được trong hơn 2 năm qua. Các phóng sự: Câu chuyện 3 em bé mồ côi bố mẹ sau bão Noru tại Nghệ An; tấm gương tự lực vươn lên thoát nghèo, hành trình hy vọng của cô gái trẻ Nguyễn Thị Liễu (1999), quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi.
Hay như câu chuyện truyền cảm hứng của bà Sáu Thia - bà Trần Thị Kim Thia, quê ở Đồng Tháp mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không có gia đình, kiếm sống bằng nghề bán vé số qua ngày. Cuộc sống của bà vô cùng khó khăn, có những giai đoạn ốm đau, bà sống bằng sự trợ giúp của hàng xóm láng giềng với từng bữa ăn.
Nhưng gần 30 năm qua, bà Sáu Thia đã luôn dành thời gian "lo chuyện bao đồng” dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn trẻ vùng sông nước để xã hội không còn thấy cảnh trẻ em bị chết đuối thương tâm. Cứ hè đến, mùa nước lũ sắp về là bà gác hết mọi công việc để dành thời gian dạy bơi cho trẻ. Tính đến nay, bà đã dạy được 4.000 trẻ em.
Bà được Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021. Bà Sáu Thia luôn tâm niệm: "Mình nghèo, mình nhận được sự giúp đỡ của mọi người, mình vẫn có thể giúp đỡ những người khác, mình có nhiều cách để giúp đỡ những người nghèo dù mình không có tiền".
Tại chương trình, ông Nguyễn Tài Phương, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, kiều bào tại Mỹ đã trao số tiền 150 triệu đồng của gia đình ông và cộng đồng kiều bào ủng hộ em Nguyễn Văn Tuấn ở xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Tuấn mồ côi cả cha lẫn mẹ khi đang là học sinh tiểu học và ở với bà từ nhỏ trong căn nhà đơn sơ, phải gác lại ước mơ tới trường để phụ giúp bà kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống. Số tiền này giúp Tuấn tiếp tục ước mơ học nghề để có tiền phụ giúp bà nguôi đi nỗi nhọc nhằn trên chặng đường mưu sinh.