Lao động khuyết tật gặp khó khăn
Bị tật chỉ còn một cánh tay, anh Nguyễn Thư (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng đã mất nhiều thời gian mới tìm việc công việc liên quan đến ngành cơ khí. Anh Thư cho rằng nhiều NKT tìm kiếm việc làm rất khó khăn, không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sức khỏe còn hạn chế… cũng là trở ngại trên con đường tìm kiếm việc làm của họ.
Anh Thư là một trong số hơn 109.000 người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội, trong đó khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động và trên 9.600 người khuyết tật có việc làm. Con số này còn khiêm tốn so với lực lượng thanh niên khuyết tật.
Chia sẻ tại tọa đàm “Quyền làm việc của NKT - Từ chính sách đến thực tiễn”, ông Lê Việt Cường - Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông, sáng lập Hợp tác xã Vụn Art cho biết, nhiều NKT còn khả năng lao động và tạo ra giá trị cho bản thân, gia đình cũng như mong muốn có việc làm để khẳng định mình. Tuy nhiên, cơ hội việc làm đối với NKT khó khăn như: Không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, phần đông trình độ học vấn còn kém khi ứng tuyển vị trí nhân viên văn phòng.
Nguyên nhân NKT khó tìm được việc làm do phần lớn người khuyết tật, đặc biệt là NKT ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có trình độ học vấn thấp, tỉ lệ NKT tốt nghiệp đại học, cao đẳng không cao (chưa đến 0,1%). Phần lớn họ chưa được đào tạo nghề (chỉ khoảng 7,3% có chứng chỉ nghề), các ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với thị trường lao động, chủ yếu đào tạo ngắn hạn, ở trình độ bậc thấp không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Kết nối việc làm cho người khuyết tật
Bà Hoàng Phương Thảo - đại diện tổ chức Action Aid đang hỗ trợ việc làm các tổ chức Người khuyết tật cho rằng, khi NKT tham gia thị trường lao động cần có sự bình đẳng, mang lại lợi ích cho cả hai phía chứ không phải doanh nghiệp nhận NKT vào làm vì tình thương. Mặc dù Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng lao động là NKT nhưng các công ty lại không mặn mà bởi tuyển dụng họ vào làm việc đồng nghĩa với doanh nghiệp phải thay đổi cơ sở hạ tầng phù hợp với họ.
“Hầu hết người khuyết tật mà chúng tôi tiếp cận có hỗ trợ rất tốt từ chính quyền địa phương, từ chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, các chính sách đó chưa đi vào gốc của vấn đề. Chúng tôi kỳ vọng rằng trong 5 năm tới, Action Aid sẽ cùng làm việc với các tổ chức là người khuyết tật những giải pháp lâu dài về mặt sinh kế. Chúng tôi sẽ có những sáng kiến mới liên quan đến kỹ thuật số, công cụ số để cho các người khuyết tật tiếp cận nhanh hơn với thị trường lao động” - bà Thảo nói.
Để giải quyết việc làm cho lao động là NKT, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm cho người lao động là NKT, trong đó ưu tiên thanh niên khuyết tật độ tuổi 18 - 35. Tuy nhiên, số NKT tìm được việc làm không nhiều do những hạn chế về sức khỏe và trình độ tay nghề. Thời gian tới, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tham mưu với thành phố những cơ chế chính sách về tài chính hỗ trợ họ học nghề; hỗ trợ người sử dụng lao động nhận NKT vào làm việc cũng như hỗ trợ họ có ý tưởng mở cơ sở sản xuất, kinh doanh…:
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội cũng như Hội Người khuyết tật của 30 quận, huyện tiếp tục tổ chức nội dung các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu NKT. Hiện NKT đang rất thiếu thông tin, do đó chúng tôi sẽ phối hợp với Hội Người khuyết tật phải xây dựng cơ sở dữ liệu NKT với đủ các vị trí ngành nghề gắn với các vị trí việc làm để làm cơ sở cho các hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm cũng như tổ chức các phiên giao dịch việc làm” - ông Thành nói.