Từ căn cứ địa cách mạng Tân Trào
Bước sang năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến thuận lợi, thời cơ giành chính quyền đã đến gần. Lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở căn cứ Pác Bó (Cao Bằng) đã chỉ đạo đồng chí Võ Nguyên Giáp cần tìm ngay một địa điểm làm trung tâm chỉ đạo mới của cách mạng.
Nơi này phải nằm trong các tỉnh của khu Việt Bắc với các tiêu chí "có dân tốt, có cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài. Đặc biệt phải có địa thế đáp ứng yêu cầu khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ".
Sau nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chọn được mảnh đất Tân Trào (Tuyên Quang) như một nơi hội tụ đủ các yếu tố để trở thành "đại bản doanh của cách mạng" và báo cáo với Bác.
Nhà văn Phù Ninh (tên thật là Nguyễn Văn Mạch) một người đã sống, dành cả đời để nghiên cứu về con người và lịch sử mảnh đất Tuyên Quang cho rằng: "Đó vừa là yêu cầu của cách mạng lúc bấy giờ nhưng cũng thể hiện tầm nhìn thiên tài của Bác. Khi Người về nước, Pác Bó là căn cứ địa đầu tiên nhưng tình hình chuyển biến mau lẹ, việc có một nơi phù hợp, an toàn và không quá xa Hà Nội để chỉ đạo sẽ quyết định tới sự thành bại của cách mạng".
Cũng theo nhà văn Phù Ninh, làng Tân Trào (Tuyên Quang) khi ấy có đầy đủ các yếu tố theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi trước đó cuộc khởi nghĩa Thanh La ngày 10.3.1945 đã thắng lợi, đến cuối tháng 5.1945, Tuyên Quang và các vùng lân cận đã hình thành một vùng giải phóng rộng lớn. Đó chính là nơi có phong trào cách mạng tốt, địa thế tốt, nhân dân một lòng theo cách mạng.
Tân Trào cũng được biết đến là mảnh đất có vị trí chiến lược, là nơi “tiến có thể đánh, lui có thể giữ” cơ động, vững chắc trong chiến tranh giải phóng lẫn chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nơi đây có dự nguồn lương thực đủ cho các cơ quan đầu não cách mạng trong một thời gian nhất định khi bị địch cắt đứt nguồn tiếp tế.
Đồng quan điểm, PGS-TS Phạm Ngọc Anh (nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng) nhận định, Bác Hồ đã hai lần chọn Tân Trào và các khu vực lân cận làm căn cứ địa cách mạng chính là lòng dân, ở đây đồng bào các dân tộc luôn hướng về cách mạng với những phong trào đấu tranh từ rất sớm.
"Một cuộc cách mạng có thành công được hay không thì yếu tố sự đồng lòng của người dân giữ vai trò quyết định. Do đó, trên nguyên tắc ở đâu có lòng dân hướng về cách mạng thì ở đó dễ thực hiện các quyết sách. Với tất cả những điều kiện thuận lợi như vậy Bác và Trung ương Đảng chọn Tân Trào nói riêng và Tuyên Quang nói chung như Thủ đô kháng chiến là quyết định đúng đắn" - PGS-TS Phạm Ngọc Anh cho hay.
Sau 18 ngày đêm băng rừng, ngày 21.5.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Tân Trào và cũng từ thời khắc đó Tân Trào đã trở thành “Đại bản doanh”, trung tâm lãnh đạo mới của cách mạng. Trong suốt hơn 3 tháng sau đó, Bác và Trung ương Đảng sống trong sự đùm bọc, che chở của đồng bào nhân dân các dân tộc. Những quyết sách quan trọng cũng từ đây được truyền đi khắp cả nước.
Tình hình cách mạng chuyển biến mau lẹ, chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, từ Tân Trào Bác chỉ thị: "Nên họp ngay và cũng không nên kéo dài hội nghị. Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút. Tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội".
Ngay sau đó, từ 13 đến 15.8.1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng diễn ra tại Tân Trào đã họp quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc.
Đến Quảng trường Ba Đình lịch sử
Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng vừa kết thúc, ngày 16.8.1945, Quốc dân Đại hội khai mạc tại đình Tân Trào với sự tham dự của hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc.
Đại hội đã bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời do Lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch ủy ban và quyết định toàn dân đứng lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Ngay buổi chiều hôm đó, khi Quốc dân Đại hội còn chưa kết thúc, dưới gốc đa Tân Trào, vị tổng chỉ huy Võ Nguyễn Giáp đã thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đọc Bản quân lệnh số 1 rồi dẫn quân tiến về đánh chiếm thị xã Thái Nguyên như phát súng mở đầu cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Theo GS-TS Phạm Hồng Tung - Đại học Quốc gia Hà Nội, chọn tấn công trại quân Nhật ở Thái Nguyên ngay khi xuất quân vừa có yếu tố địa lý nhưng cũng vừa là biểu tượng của hoạt động vũ trang chống phát xít của Mặt trận Việt Minh. Đó là một nhiệm vụ quan trọng, một phát súng lệnh để các địa phương khác vùng dậy đấu tranh vũ trang.
Từ Tân Trào “Thủ đô Kháng chiến” của cách mạng, làn sóng tổng khởi nghĩa lan truyền như thác đổ, nhiều địa phương trong cả nước đã đồng loạt đứng lên với sức mạnh như vũ bão đánh đuổi quân xâm lược cùng bè lũ tay sai. Ngày 19.8.1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội kết thúc thắng lợi vang dội tạo động lực, khí thế cho nhiều địa phương khác giành chính quyền về tay nhân dân.
Tiếp đó là các chiến thắng vang dội, ngày 23.8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và Bắc Kạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25.8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre...
Ngày 22.8.1945, Bác và Trung ương Đảng dời căn cứ địa cách mạng Tân Trào về Hà Nội. Tối 25.8, Người vào nội thành, ở tầng 2 của căn nhà số 48 Hàng Ngang. Những ngày sau đó, ngoài những lúc họp với Trung ương Đảng, Ủy ban Dân tộc giải phóng để Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Bác dành thời gian để soạn Bản Tuyên ngôn độc lập.
Vào hồi 14h ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào, trên lễ đài trang nghiêm, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam.
Có một chi tiết mà ít người biết, trước khi rời Tân Trào về Hà Nội, bằng sự nhạy cảm chính trị và tầm nhìn chiến lược, Bác đã dặn lại các đồng chí trong Đảng: “Bây giờ, ta đã có chính quyền, chắc các cô, các chú cũng muốn về Hà Nội. Nhưng chưa được đâu! Lenin đã nói: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Bởi vậy, các cô, các chú còn ở lại địa phương đây, giúp đồng bào tổ chức cuộc sống sao cho tươi đẹp hơn, ấm no, văn minh hơn. Biết đâu, chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa...”.
Và đó cũng như một sự dự đoán cho lần thứ hai Bác và Trung ương Đảng trở lại Tân Trào lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp.