Công nhân may chủ quan với bệnh nghề
Vào ca từ 7h30’ giờ đến 16h30’, có khi tăng ca đến 20h, chị Nguyễn Thị Hương (40 tuổi, trú TP Nha Trang) làm công nhân bộ phận may của một công ty chuyên gia công hàng may mặc tại Khánh Hòa gần như ngồi ở bàn may không rời.
Chỉ có khoảng 2 tiếng nghỉ trưa và giữa ca, chị Hương mới rời khỏi chỗ làm việc để đứng dậy vận động và giải quyết nhu cầu cá nhân. Sau thời gian dài ngồi máy may liên tục, lưng chị Hương có biểu hiện thoái hóa.
Chị Hương cho biết: “Vào làm, tôi cũng như nhiều chị em tập trung để đáp ứng năng suất nên không chủ động thể dục hay thay đổi tư thế làm việc. 12 năm liên tục nên giờ mới thấy hậu quả của sự thờ ơ với sức khỏe của mình. Tôi đang xin công ty chuyển sang bộ phận ít ngồi một chỗ hơn nhằm cải thiện tình trạng thoái hóa cột sống”.
Chị Hương cho hay: “Vì làm trong môi trường bụi vải, lại ngồi một chỗ thời gian dài nên đa số công nhân may hay bị đau lưng, đau đốt sống cổ. Các bệnh hay gặp nữa là mắt kém đi. Nhiều người làm ở bộ phận tiếp xúc với vải vụn nhiều cũng dễ mắc bệnh về hô hấp. Nhưng vì công việc hàng ngày, ai cũng quen rồi nên khá chủ quan”.
Còn với chị Nguyễn Ngọc Trúc Linh - công nhân bộ phận cắt của một công ty chuyên may đồ bơi xuất khẩu tại Khánh Hòa - công việc của nhóm chị sẽ liên tục khoảng 4 tiếng. Công việc này phải nhìn liên tục, khá mỏi mắt nhưng chị Linh không chủ động đi khám mắt bao giờ.
Theo chị Linh, công ty có khoảng 1.700 lao động và 90% là nữ. Những lao động may, cắt thường trẻ nên ít quan tâm đến bệnh nghề, chỉ khi đau quá mới đi khám. Công ty có tổ chức khám sức khỏe hàng năm nhưng chị Linh cũng không biết bệnh nghề nghiệp của mình là những bệnh nào để khám chuyên sâu hơn.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm 2022, trung tâm đã thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho hơn 30 công ty, với tổng số lượt khám là hơn 11.600 người. Trong đó, đo thính lực sơ bộ hơn 4.800 người, đo hô hấp 4.500 người và đo PH da hơn 1.300 người, qua đó đã đưa 27 công nhân đi giám định.
Cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân
Vào tháng 4 và tháng 10, Công ty TNHH Komega-X (KCN Suối Dầu, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) - doanh nghiệp chuyên may hàng thể thao xuất khẩu - sẽ tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho khoảng 1.200 công nhân.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Chủ tịch CĐCS công ty - cho biết: Khám sức khỏe cho người lao động là một trong những quy định bắt buộc và thực hiện 6 tháng 1 lần được công ty duy trì nhiều năm qua.
“Qua thăm khám thường xuyên, công ty chưa phát hiện trường hợp lao động nào có bệnh nghề nghiệp. Cùng với khám sức khỏe, công ty còn cải thiện điều kiện làm việc liên tục như: 2 tiếng sẽ vệ sinh khu vực làm việc một lần, xây dựng nhà xưởng cao ráo, thông thoáng khí…” - bà Trinh nói.
Theo chị Trần Thị Na - công nhân Công ty TNHH Đồ bơi Thống Nhất, thực tế hiện nay, công nhân lao động vào ca rất ít có thời gian thể dục tại chỗ. Vì thế, ngoài cải thiện điều kiện làm việc, công nhân cũng mong Công đoàn, lãnh đạo công ty quan tâm bằng những bài nhạc thể dục tại chỗ để công nhân may nâng cao thể chất, tinh thần, tạo sự hứng khởi để làm việc hiệu quả hơn.
Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa năm 2022, có hơn 30 doanh nghiệp đăng ký khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động qua trung tâm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tự kết nối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân tổ chức khám sức khỏe cho người lao động.
Hiện Khánh Hòa chỉ có Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh có đủ chức năng, thiết bị, nhân lực thực hiện đúng chuyên môn đánh giá nguy cơ gây ra bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, với số lượng đơn vị đăng kí khám bệnh nghề nghiệp trong năm qua cho thấy, khám chuyên sâu về bệnh nghề nghiệp chưa nhiều, chỉ mới tập trung ở một số công ty, doanh nghiệp có nguy cơ cao.
P.Linh