Mở rộng an sinh từ nguồn lực xã hội giúp người dân bị ảnh hưởng COVID-19

Phạm Đông |

Để trợ giúp, tương trợ người dân, người lao động ở nhiều tỉnh thành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 cần thêm những gói an sinh xã hội từ nguồn lực trong dân, ngoài các gói hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên, để nguồn lực này không bị phân tán, phát huy hết hiệu quả cần đến sự phối hợp công - tư và sự điều tiết của nhà nước.

Điều tiết nguồn lực xã hội cho công tác an sinh

Ông Nguyễn Sỹ Trường - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho biết, trong 2 năm trở lại đây, mỗi người đều thấy rõ sự chung sức, đồng lòng của cả dân tộc để cùng với Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành giúp đỡ những người khó khăn, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trong đó, các nguồn lực xã hội của nhân dân để chung tay hỗ trợ người nghèo, lao động gặp khó khăn và cho công tác phòng chống dịch là rất lớn.

Làn sóng dịch bùng phát kể từ cuối tháng 4.2021 đến nay đã tác động mạnh mẽ tới người lao động, nhất là công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Theo ông Trường, trong bối cảnh bức thiết hiện nay, việc có thêm hay mở rộng các gói an sinh là cực kỳ cần thiết để giúp đỡ người lao động khó khăn. Phát huy vai trò và trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình, người lao động, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần xã hội hóa. Cần tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tham gia.

Bởi lẽ, khi nguồn lực của nhà nước dành cho các gói an sinh chỉ là hữu hạn thì nguồn lực sẵn có trong nhân dân sẽ bù đắp lại được vấn đề này. Tuy nhiên, nếu không điều tiết được nguồn lực từ đóng góp của người dân, hoạt động từ thiện của các nhà hảo tâm... sẽ dẫn tới phân tán, manh mún, thiếu gắn kết và không phát huy được hết hiệu quả. Không những vậy, sự phân tán này còn dẫn tới việc chồng chéo, không đồng đều.

Ông Nguyễn Sỹ Trường trao đổi với PV Lao Động. Ảnh: P.Đ
Ông Nguyễn Sỹ Trường trao đổi với PV Lao Động. Ảnh: P.Đ

Theo ông Trường, giải pháp vẫn là các nhà từ thiện cùng phối hợp với chính quyền địa phương để có được những đối tượng, những danh sách cụ thể để có hướng làm phù hợp. Đặc biệt, cần nắm chắc họ thiếu những gì, cần gì và có nhu cầu ra sao thì sự giúp đỡ sẽ có ý nghĩa rất nhiều lần.

"Nếu chỉ là hoạt động tự phát, thấy chỗ nào khó khăn nhất thì đến sẽ dẫn tới việc nơi đó được nhận rất nhiều còn chỗ khác lại không có gì. Do đó, mỗi tổ chức, nhà hảo tâm hãy phối hợp tốt với tổ dân phố, với chính quyền địa phương thì sẽ có sự điều phối phù hợp, là cấu nối hiệu quả" - ông Trường nói.

Đa dạng mô hình an sinh để tập hợp mọi nguồn lực

TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, các gói an sinh vừa qua vẫn chưa đủ và đáp ứng hết nhu cầu của nhân dân trong bối cảnh dịch COVID-19. Với gói hỗ trợ 26.000 tỉ, mỗi người sẽ nhận được số tiền là 1.500.000 đồng, chỉ duy trì cuộc sống từ 0,5-1 tháng. Tuy nhiên, khi dịch bệnh kéo dài, người lao động mất việc, giảm thu nhập hiện nay thì rất cần thêm những gói, những chính sách hỗ trợ khác để tiếp nối.

Ông Dũng cho rằng, việc mở rộng sự hợp tác với khu vực tư nhân để tăng nguồn lực là giải pháp khả quan. Khi mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, phân tán thì sự phối hợp, lồng ghép trong việc thực hiện các chính sách, huy động sự tham gia từ cộng đồng là cần thiết.

Nhà nước cần khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các mô hình an sinh xã hội, các hoạt động từ thiện, tình nguyện dựa vào sự tham gia của cộng đồng trong việc cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội, thực hiện các hoạt động nhân đạo. Trong đó có thể kể đến các đoàn thể địa phương, các nhóm sở thích, nghiệp đoàn, gia đình, dòng họ, cá nhân...

Cũng theo ông Dũng, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách hiện hành về an sinh xã hội, kể cả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội, ưu đãi xã hội. Cần có một cơ chế, hành lang pháp lý để vận hành sự đóng góp của toàn dân phục vụ cho công tác an sinh. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ phân phối, thống kê cho công tác hỗ trợ vì lâu nay việc này được thực hiện tương đối chậm.

Ở nhiều cơ quan chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã chưa có đầy đủ các cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết để phục vụ cho hoạt động công khai, minh bạch. Ở cấp xã, trang thông tin điện tử hầu như chưa được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, nên việc tiếp cận thông tin của người dân là rất khó khăn. Việc không đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật dẫn đến làm giảm hiệu quả việc công khai, kêu gọi, huy động người dân tham gia đóng góp cho công tác an sinh.

Đồng thời công tác thanh tra, kiểm tra giám sát về thực hiện công khai, minh bạch về an sinh xã hội cần được chú trọng hơn.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: T.G
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: T.G

"Để không làm tự phát, chính quyền địa phương MTTQ các cấp có thể chủ động đứng ra kêu gọi, nhận biết được cơ quan, đơn vị nào có năng lực làm từ thiện để nâng cao hiệu quả, tránh phân tán" - ông Dũng cho hay.

Bà Bùi Thị Lan Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy cho rằng, không chỉ huy động nguồn lực trong nhân tại địa phương, hoạt động quyên góp, tương trợ cần được mở rộng trong toàn thành phố, các tỉnh lân cận và thậm chí của cả nước để tập hợp hợp, tránh sự phân tán. Đồng thời, để hoạt động này được hiệu quả thì vận động, kêu gọi là cực kỳ quan trọng.

Theo bà Phương, nếu đẩy mạnh việc kêu gọi như thư ngỏ, nhắn tin kêu gọi, lời kêu gọi thì việc thu hút cộng đồng, nhân dân tham gia đóng góp sẽ hiệu quả hơn. Đồng thời, cần tập trung về một đầu mối, một quỹ để có sự đồng thuận, lan toả một cách cao nhất, hiệu quả nhất.

Theo Nghị quyết 88/NQ-CP phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021: Ngoài các chính sách hỗ trợ hiện hành, Chính phủ khuyến khích các địa phương trong khả năng nguồn lực của mình để ban hành thêm các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt là gia đình chính sách, người có công, người nghèo, người mất việc làm... do đại dịch COVID-19.

Phạm Đông
TIN LIÊN QUAN

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi đầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

VƯƠNG TRẦN |

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn và đặt nhiều niềm tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng tăng ni, Phật tử cả nước sẽ tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng khát vọng phát triển đất nước

Vương Trần |

Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tổ chức theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và phát triển cùng đất nước”.

Văn phòng II Trung ương Giáo hội Kỷ niệm 40 năm Giáo hội Phật giáo VN

HUÂN CAO |

TPHCM - Sáng 7.11, tại Văn phòng II Trương ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Thiền viện Quảng Đức, quận 3, TPHCM) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi đầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

VƯƠNG TRẦN |

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn và đặt nhiều niềm tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng tăng ni, Phật tử cả nước sẽ tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng khát vọng phát triển đất nước

Vương Trần |

Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tổ chức theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và phát triển cùng đất nước”.

Văn phòng II Trung ương Giáo hội Kỷ niệm 40 năm Giáo hội Phật giáo VN

HUÂN CAO |

TPHCM - Sáng 7.11, tại Văn phòng II Trương ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Thiền viện Quảng Đức, quận 3, TPHCM) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).