Lấy ý kiến kiều bào về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Song Minh |

Chiều 2.3.2023, hội nghị lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tổ chức tại trụ sở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, bao gồm người Việt Nam định cư ở nước ngoài với tư cách là đối tượng thụ hưởng chính sách Luật Đất đai.

Ông khẳng định việc lắng nghe và tiếp thu ý kiến kiều bào để tham mưu, đề xuất các cơ quan chức năng hoàn thiện pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài là công việc thường xuyên của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Các ý kiến của kiều bào tập trung vào nội dung các quy định liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cho rằng Luật Đất đai hiện hành đã quy định về quyền sử dụng đất ở khi có quyền sở hữu nhà ở, tuy nhiên vẫn còn vướng mắc về quyền sử dụng đất ở chưa có công trình nhà ở, cụ thể là hạn chế người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở (điểm đ khoản 1 Điều 169 Luật Đất đai năm 2013), tức là các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền, để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật (điểm b, khoản 2, Điều 8 Luật Nhà ở 2014). 

Nói cách khác Luật Đất đai hiện hành không có quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển quyền sử dụng đất ngoài dự án để xây dựng nhà ở. Điều này không chỉ hạn chế quyền phát triển nhà ở mà còn ảnh hưởng đến quyền thừa kế đất ở chưa có công trình nhà ở bên ngoài dự án phát triển nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. 

Các ý kiến của kiều bào đều mong muốn vướng mắc này được tháo gỡ, vừa tạo sự đối xử bình đẳng như công dân trong nước, vừa khơi thông nguồn lực của cộng đồng hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài với đóng góp kiều hối gần 19 tỉ USD mỗi năm, cho việc phát triển thị trường bất động sản, đẩy mạnh thương mại hoá quyền sử dụng đất và phát triển kinh tế đất nước nói chung. 

Các đại biểu góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội nghị. Ảnh: VGP
Các đại biểu góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội nghị. Ảnh: VGP

Các đại biểu hoan nghênh và nhất trí với những điểm thay đổi của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi so với Luật Đất đai 2013, cụ thể:

(i) Tại điểm g khoản 1 Điều 30 Dự thảo quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở”. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không bị giới hạn chỉ được nhận quyền sử dụng đất ở chưa có công trình nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở như quy định tại Luật Đất đai 2013.

(ii) Tại điểm b khoản 1 Điều 30 Dự thảo quy định “Tổ chức kinh tế, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền nhận chuyển quyền sử dụng đất tương đương với quyền nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước mà không bị giới hạn trong phạm vi “khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế” như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 169 Luật Đất đai 2013.

Bên cạnh đó, các ý kiến đề xuất sửa đổi Điều 47 Dự thảo liên quan đến quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để phù hợp với quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 30 của Dự thảo.

Cụ thể, đối với trường hợp nhận quyền sử dụng đất ở, cần bổ sung vào khoản 1 Điều 47 quy định như sau "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở  được nhận quyền sử dụng đất ở để tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật".

Liên quan đến cụm từ “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở…” được nêu tại Điều 30 và các điều khác của Dự thảo, bà Phan Bích Thiện, Uỷ viên Uỷ ban TW MTTQVN, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary và bà Chu Thu Hiền, đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng Luật Đất đai dẫn chiếu quy định về đối tượng của Luật Nhà ở, gây khó hiểu và rườm rà, kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được nhận quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, với các điều kiện tượng như Luật Nhà ở.

Ông Đỗ Quang Ba, Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu văn hoá thể thao Việt Nam tại Nhật Bản, mong muốn Ban soạn thảo xem xét quy định cho phép người nước ngoài là vợ/chồng và con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua thừa kế.

Về vấn đề thu hồi đất, ông Trần Anh Tuấn, Uỷ viên Uỷ ban TW MTTQVN, Chủ tịch Hội người Việt tại Ba Lan, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nội dung khoản 2 Điều 94 Dự thảo, khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở, phải di chuyển chỗ ở đối với hộ gia đình, cá nhân không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, Nhà nước cần hình thành khu tái định cư và thương lượng với họ trước khi thu hồi.

Ông Nguyễn Hoài Bắc, kiều bào Canada, đã có hơn 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cho rằng còn nhiều bất cập trong quy định về giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân có đất trong diện thu hồi để thực hiện dự án, đấu thầu đất... cần được xem xét kỹ lượng trong quá trình sửa đổi.

Song Minh
TIN LIÊN QUAN

Pháp muốn thúc đẩy các dự án hợp tác kinh tế trọng điểm với Việt Nam

THANH HÀ |

Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương, Thu hút kinh tế và người Pháp ở nước ngoài Olivier Becht khẳng định, các doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam và mong muốn thúc đẩy việc triển khai các dự án hợp tác kinh tế trọng điểm giữa hai nước.

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập ổn định hơn từ voi nhà

Bảo Trung |

Cơ quan chức năng, doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk đang liên tục có những ý tưởng, kế hoạch khai thác du lịch thân thiện từ loài voi để đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương có thu nhập ổn định hơn.

Hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

TIẾN ĐẠT |

THỪA THIÊN HUẾ - Hỗ trợ trao nhà đại đoàn kết và trao 1.000 lá cờ Tổ quốc cho người dân trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Biên phòng toàn dân.

Pháp muốn thúc đẩy các dự án hợp tác kinh tế trọng điểm với Việt Nam

THANH HÀ |

Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương, Thu hút kinh tế và người Pháp ở nước ngoài Olivier Becht khẳng định, các doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam và mong muốn thúc đẩy việc triển khai các dự án hợp tác kinh tế trọng điểm giữa hai nước.

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập ổn định hơn từ voi nhà

Bảo Trung |

Cơ quan chức năng, doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk đang liên tục có những ý tưởng, kế hoạch khai thác du lịch thân thiện từ loài voi để đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương có thu nhập ổn định hơn.

Hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

TIẾN ĐẠT |

THỪA THIÊN HUẾ - Hỗ trợ trao nhà đại đoàn kết và trao 1.000 lá cờ Tổ quốc cho người dân trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Biên phòng toàn dân.