Ngày 19.10, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tiếp bà Tatiana Valovaya - Tổng Giám đốc Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Geneva (UNOG), nhân chuyến công tác tại Việt Nam và tham dự lễ khai mạc triển lãm “17 gương mặt hành động Việt Nam vì sự phát triển bền vững”.
Chào mừng bà Tatiana Valovaya đến Việt Nam, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đánh giá cao vai trò của Tổng Giám đốc trong việc kết nối, hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động đa phương tại Geneva.
Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam đang tích cực triển khai đường lối của Đại hội Đảng XIII với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Do đó, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào các công việc chung của Liên Hợp Quốc nói chung, và của các tổ chức quốc tế tại Geneva nói riêng; không chỉ với tư cách quốc gia mà còn ở cả những cá nhân cụ thể, các nhà ngoại giao, các chuyên gia, người có chuyên môn trong các lĩnh vực khác nhau.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị bà Tổng Giám đốc cùng các cơ quan liên quan của Liên Hợp Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các cán bộ, chuyên gia, công dân Việt Nam làm việc tại các cơ quan của Liên Hợp Quốc tại Geneva nói riêng, hỗ trợ Việt Nam, các nước ASEAN, các nước đang phát triển tăng cường các hoạt động ngoại giao đa phương tại Geneva nói chung.
Nhân dịp này, Thứ trưởng đánh giá cao sáng kiến “17 gương mặt hành động” do bà Tatiana Valovaya và Hội Trao quyền phụ nữ Thụy sỹ (ASWE) khởi xướng và tích cực triển khai ở các nước.
Việc Việt Nam tham gia sáng kiến của Tổng Giám đốc cũng là một trong những hướng triển khai hiệu quả những ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 về tăng cường hợp tác và đối thoại trong cộng đồng quốc tế để thúc đẩy về bình đẳng giới và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững.
Tổng Giám đốc Tatiana Valovaya bày tỏ tình cảm cá nhân sâu sắc dành cho đất nước, con người Việt Nam; chia sẻ ấn tượng với cam kết ở cấp cao của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương nói chung và những đóng góp cụ thể, thiết thực và công việc của các tổ chức quốc tế tại Geneva nói riêng.
Bên cạnh đó, bà Valovaya đánh giá cao vai trò nổi bật của Việt Nam, cùng các nước ASEAN trong việc thúc đẩy các hoạt động ngoại giao văn hoá, tăng cường đa dạng văn hoá và đoàn kết quốc tế trong cộng đồng ngoại giao tại Geneva; khẳng định cá nhân Tổng Giám đốc, UNOG và các cơ quan khác sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các hoạt động của Việt Nam và ASEAN tại địa bàn.
Hoan nghênh việc Việt Nam cùng nhiều nước tham gia sáng kiến “17 gương mặt hành động”, Tổng Giám đốc UNOG đánh giá cao các thành tựu của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới và nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và vì sự phát triển bền vững.
Bà Valovaya đặc biệt tỏ ấn tượng với việc Việt Nam tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính, trao quyền cho phụ nữ trong kinh tế, thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; từ đó thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi khía cạnh của việc thực hiện chương trình nghị sự 2030.
Trong khuôn khổ các hoạt động của đoàn, chiều 19.10, Tổng giám đốc UNOG Tatiana Valovaya đã có cuộc gặp với lãnh đạo Học viện Ngoại giao Việt Nam và nói chuyện với giảng viên, sinh viên Học viện Ngoại giao về chủ đề “Chủ nghĩa đa phương - những thách thức hiện nay, đường hướng tương lai và vai trò của lãnh đạo nữ”.
Bà Valovaya nhận định, thế giới đang ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, nổi bật là vấn đề bất bình đẳng giới, sự gia tăng rủi ro địa chính trị, sự thiếu lòng tin giữa các quốc gia cũng như sự xuất hiện của các công nghệ mới nổi.
Để vượt qua những thách thức toàn cầu này chủ nghĩa đa phương cần trở nên bao trùm hơn, kết nối hơn và hiệu quả hơn; đồng thời các cơ chế hợp tác đa phương cần toàn diện hơn và chú trọng xây dựng lòng tin, tăng cường trao đổi, thấu hiểu lẫn nhau.
Bà Valyovaya khẳng định vai trò và sự đóng góp tích cực của các cơ chế khu vực, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và các cơ sở nghiên cứu, giáo dục trong việc hỗ trợ, phối hợp với Liên Hợp Quốc để giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu.
Bà Valovaya đánh giá cao vai trò của Học viện Ngoại giao Việt Nam trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và ngoại giao học giả, thể hiện qua sự tham gia, tương tác rất tích cực của các giảng viên, sinh viên Học viện Ngoại giao trong buổi nói chuyện và tin tưởng các sinh viên sẽ trở thành các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đa phương thành công trong tương lai.