Là một người khiếm thị, hai mắt của anh Hoàng Văn Lý không thể nhìn rõ mọi thứ xung quanh. Được hỗ trợ từ công cụ dành cho người khiếm thị, nên anh Lý vẫn có thể đi lại trên đường.
Mặc dù những năm gần đây, hạ tầng giao thông đã được đầu tư xây dựng để ưu tiên cho người khiếm thị, thế nhưng theo anh Lý, không chỉ riêng anh mà nhiều người khiếm thị khác vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chính do đường dành riêng cho người khiếm thị đã được thành phố đưa vào trong thiết kế tại những đoạn đường mới cải tạo lại vỉa hè. Nhưng những vỉa hè này đã bị người dân hay chiếm dụng làm bãi trong giữ xe hay hàng quán lấn chiếm.
Cụ thể, phố Yết Kiêu là một trong những tuyến phố được duy tu sửa chữa vỉa hè có lối đi riêng dành cho người khuyết tật nhưng cả hai bên vỉa hè của tuyến phố này đã bị chiếm dụng làm bãi đỗ xe và hàng quán khiến người khuyết tật không thể di chuyển được.
“Thực tế hiện nay ở Việt Nam, đèn xanh đèn đỏ chỉ hỗ trợ cho những người không khiếm thị, còn những người khiếm thị thì khi đến các ngã 3, ngã 4 họ vẫn phải dựa vào cảm giác, lắng nghe các dòng xe cộ để phán đoán”, anh Lý cho hay.
Tiếp đến, việc sử dụng các phương tiện công cộng của họ cũng vô cùng khó khăn.
Theo thống kê mới đây của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, toàn thành phố có gần 110.000 người khuyết tật, chiếm 1,38% dân số Thủ đô.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm mở rộng địa giới hành chính, mặc dù diện mạo cơ sở hạ tầng của Hà Nội có sự thay đổi đáng kể, thế nhưng các công trình hạ tầng giao thông dành cho người khuyết tật vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Nhiều ý kiến cho rằng, có sự quan tâm của xã hội, họ mới vượt qua được các rào cản về khiếm khuyết và bệnh tật của bản thân, để mà hòa nhập với cộng đồng. Có đường dành riêng mà vẫn không được tham gia giao thông một cách an toàn.
Thực tế, các cơ quan quản lý đã có chính sách hỗ trợ giao thông cho người khuyết tật, nhưng việc thực hiện và giám sát còn nhiều bất cập, dẫn đến lãng phí và hiệu quả thấp. Nhiều công trình thi công do thiếu sự giám sát nên không phát huy được tác dụng.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội Phan Thị Bích Diệp cho rằng, mỗi năm thành phố đầu tư hàng tỉ đồng sửa chữa vỉa hè nhưng lại không dành cho người khuyết tật làn để đi lại dễ dàng.
“Các tuyến xe buýt hiện nay người khuyết tật có thể đi được nhưng là những người không đi xe lăn, người đi xe lăn và đi nạng cũng rất khó lên xe buýt”, bà Diệp cho hay.
Trao đổi với Báo Lao Động, chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, giao thông cho người khuyết tật đang làm rất yếu. Chúng ta chưa thực sự quan tâm đến đường đi riêng cho người khuyết tật, những bậc lên xuống của vỉa hè hay lên/xuống xe buýt như thế nào, thậm chí là lên xuống máy bay. Do đó, các ngành chức năng phải quan tâm đến vấn đề này.
Việc cung ứng các công trình giao thông và thiết kế không gian công cộng dành cho người khuyết tật có thể tiếp cận và sử dụng dễ dàng, là yêu cầu bắt buộc của một đô thị văn minh và là một trong các thước đo mức độ phát triển xã hội.
Tăng cường giao thông tiếp cận cho người khuyết tật không chỉ là đảm bảo thực hiện chính sách quan tâm đến nhóm người yếu thế mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho những người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng và đóng góp thêm nhiều giá trị của mình cho xã hội.