Chị Nguyễn Thị Trúc Ly (32 tuổi) - công nhân may tại Đồng Nai - cho biết, 2 tháng nay, tăng ca là điều vô cùng xa vời với chị và nhiều công nhân khác. Chỉ làm giờ hành chính không quá vất vả nhưng bản thân chị lại chẳng muốn chút nào. Đơn giản bởi không tăng ca đồng nghĩa thu nhập thấp.
“Tháng 5, chúng tôi vẫn làm đến 19h, tăng ca đều 2 tiếng/ngày thu nhập được 8,8 triệu đồng. Tháng 6, công ty thông báo chỉ làm đến 16h30 thu nhập giảm chỉ còn chưa đến 6 triệu đồng. Đã vậy, bắt đầu từ tháng 8 này công ty đã cho công nhân nghỉ thêm thứ 7 càng khiến cuộc sống thêm phần khó khăn. Cũng may không phải đi thuê trọ nên tôi vẫn có đồng để dành” - chị Ly tâm sự.
Chị Ly cho biết, nhớ lại thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, Nhà nước triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động khi ít việc, nghỉ giãn cách ở nhà. Do vậy, chị hy vọng Nhà nước sẽ sớm có các gói hỗ trợ thiết thực cho người lao động bị giảm việc, mất việc trong thời gian này. Mặt khác, cũng mong được nhận sự quan tâm đặc biệt đối với người lao động thu nhập thấp do giảm giờ làm. Chia sẻ với Lao Động, nữ công nhân đề xuất mức hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/tháng/người tùy từng hoàn cảnh.
Anh Bùi Văn Kiên (28 tuổi, Nam Định) - công nhân ngồi máy chuyên dùng - cũng lo lắng trước tình trạng ít việc khi thu nhập giảm gần 3 triệu đồng so với tháng trước.
“Tháng 7 vừa rồi công ty ít đơn hàng, chưa về kịp nguyên phụ liệu nên chỉ làm cầm chừng. Hôm nay xem bảng lương mà buồn, thu nhập còn có 8,2 triệu đồng, những tháng trước thu nhập của tôi ít nhất cũng được 11 triệu đồng/tháng” - anh Kiên chia sẻ.
Đối với anh Kiên, thu nhập hiện tại dù có giảm nhưng vẫn đảm bảo mức sống cơ bản. Tuy nhiên, với nhiều công nhân tay nghề yếu hoặc làm ở bộ phận khác ít quan trọng thu nhập rất thấp.
Anh Kiên chia sẻ, nếu trường hợp xấu xảy ra phải nghỉ việc luân phiên, thu nhập giảm dưới mức lương tối thiểu vùng thì Nhà nước cũng nên hỗ trợ ít nhất bằng lương tối thiểu vùng để công nhân bớt lo lắng.
Nằm trong diện buộc phải thôi việc do hiệu suất công việc chưa đáp ứng tốt (3 tháng gần nhất không đạt thu nhập 6 triệu đồng), chị Nguyễn Thị Thành (tên nhân vật đã được thay đổi) - 23 tuổi - công nhân May tại Nam Định rất buồn.
"Đây là lần đầu tiên trong gần 5 năm đi làm tôi bị buộc phải nghỉ việc” - chị Thành nói.
Trong thời điểm công việc ít, chị Thành càng lo lắng không có công ty nào nhận vào làm việc. Chị Thành mong muốn sắp tới Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng mất việc là 3 triệu đồng/người; lao động bị tạm chấm dứt hợp đồng nhận một lần 2 triệu đồng/người để công nhân ổn định tâm lý và cuộc sống tìm việc làm mới.