Góp phần vào thành công phương án “3 tại chỗ”
Lò Văn Sơn (23 tuổi, Sơn La) làm công nhân điện tử trong khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) đã hơn 3 năm. Đầu tháng 6.2021, tỉnh Bắc Ninh triển khai phương án “3 tại chỗ” vừa sản xuất, vừa chống dịch trong các nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn. Ban đầu, Sơn cùng hơn 100 công nhân trong công ty khá hoang mang, đa phần chọn cách ly ở phòng trọ do sợ lây lan dịch trong quá trình sản xuất.
“Sau đó, chúng tôi được lãnh đạo tỉnh và cán bộ Công đoàn giải thích rõ về hoạt động 3 tại chỗ vẫn đảm bảo được quy định phòng, chống dịch và đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt nhất định của mỗi công nhân. Chưa kể thu nhập khi 3 tại chỗ còn cao hơn lúc trước nên hầu hết anh em công nhân đã thay đổi quyết định”, Sơn kể.
Cũng làm công nhân ở KCN Quế Võ nhưng không kịp đăng ký “3 tại chỗ”, thời gian đó, Vi Thị Phương (25 tuổi, Lai Châu) phải ở lại phòng trọ trên địa bàn TP.Bắc Ninh. Thuộc vùng cách ly, nữ công nhân không thể ra ngoài mua nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt.
“Mỗi ngày em đều nhận được túi thực phẩm hỗ trợ từ chính quyền địa phương cùng tổ chức Công đoàn”, Phương nói và cho biết những túi thực phẩm trong những ngày giãn cách đó không chỉ là nguồn sống mà còn cho chị cảm nhận được sự quan tâm như của người thân dù đang cách gia đình hàng trăm km.
Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng thời điểm dịch bệnh càng cho thấy rõ ràng hơn vai trò của tổ chức Công đoàn.
“Tổ chức Công đoàn các cấp đã tuyên truyền, động viên công nhân, người lao động vào các nhà máy 3 tại chỗ và thực hiện nghiêm quy định chống dịch. Với hơn 120 nghìn lao động ở lại nhà trọ trong các khu vực bị cách ly, phong tỏa, tổ chức Công đoàn phối hợp cùng chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể lên danh sách cụ thể. Bằng nguồn lực tự có, kết hợp việc kêu gọi được rất nhiều các mạnh thường quân hỗ trợ nhu yếu phẩm, Công đoàn cùng với chính quyền địa phương đã đem nhu yếu phẩm đến tận phòng trọ cho công nhân trong các vùng cách ly”, ông Vương Quốc Tuấn nói với phóng viên Báo Lao Động.
Theo thống kê, từ thời điểm dịch bùng phát ở Bắc Ninh đến đầu tháng 8.2021, các cấp Công đoàn tỉnh Bắc Ninh đã hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho 647 lượt đoàn viên, người lao động thuộc diện F0, F1 và 128.118 công nhân lao động ngoại tỉnh phải nghỉ việc và tạm trú trong các khu cách ly, phong toả.
Công đoàn Bắc Ninh cũng tặng 193 suất quà cho 193 nữ công nhân mang thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi trên địa bàn toàn tỉnh thuộc diện F0, F1, mỗi suất quà gồm 1.000.000 đồng tiền mặt và quà trị giá 700.000 đồng. Đồng thời tặng 190 suất quà cho các cháu là bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Sản nhi và điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhân Tháng hành động vì trẻ em... Tổng kinh phí hỗ trợ tất cả các chương trình là hơn 22,5 tỉ đồng.
Những siêu thị 0 đồng ở Bắc Giang
Ông Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang nhớ lại thời điểm đầu tháng 5 khi dịch bùng lên trong các KCN ở Bắc Giang. Thời điểm đó, có khoảng 67.000 công nhân ở Bắc Giang cần được hỗ trợ. Họ là những lao động trong vùng cách ly không được về nhà. Trong đó, có khoảng 60.000 công nhân là lao động ngoại tỉnh, 7.000 công nhân là lao động trong tỉnh.
“Tổ chức Công đoàn đã phối hợp thành lập 29 "Siêu thị 0 đồng" hỗ trợ, không để hơn 67.000 công nhân trong các khu cách ly phải thiếu lương thực”, trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang nói.
Cũng theo ông Phạm Văn Thịnh, đến nay, tổ chức Công đoàn cũng đã hỗ trợ tổng cộng hơn 44 tỉ đồng gồm tiền mặt và hàng hóa đối với công nhân, người lao động và lực lượng tuyến đầu chống dịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đây là sự hỗ trợ vô cùng kịp thời giúp công nhân, người lao động vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động công nhân, người lao động nỗ lực vượt khó cùng doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm “mục tiêu kép”; hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 điểm đến”. Đồng thời hỗ trợ việc lấy mẫu xét nghiệm PCR và cập nhật dữ liệu cho hàng trăm nghìn người lao động trên các ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch.
“Cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự hỗ trợ tích cực của cả nước, sự đoàn kết, quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp Công đoàn đã góp phần vào việc đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 tại Bắc Giang”, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang chia sẻ.