* Thưa ông, dư luận rất quan tâm đến ý kiến của ông tại một tọa đàm gần đây: “Có 3 bằng đại học nhưng vẫn thất nghiệp”. Ông cũng cho rằng đây là một thực trạng tại Việt Nam. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng tình trạng này không phổ biến, chỉ ở rất ít nhóm người nào đó?
- Trước hết, tôi xin khẳng định việc một người có 3 bằng đại học nhưng vẫn thất nghiệp là rất, rất ít. Tuy nhiên, trong khuôn khổ tọa đàm khoa học, chúng ta cần nêu ra để cùng trao đổi, nghiên cứu tìm ra nguyên nhân và hướng khắc phục.
Ở đây, ý tôi muốn nói, không phải cứ học ở trình độ cao, nhiều bằng cấp là có được việc làm tốt. Theo số liệu của Bản tin cập nhật thị trường lao động hằng quý, hằng năm của Tổng cục Thống kê và Bộ LĐTBXH cho thấy, số người tốt nghiệp đại học trở lên thất nghiệp chiếm một tỉ lệ cao.
Ví dụ: Quý I/2016 là 190,9 nghìn; Quý IV/2017 là 215,3 nghìn; Quý III/2018: 151,8 nghìn; Quý IV/2019: 200,2 nghìn người... Mỗi năm có khoảng trên 300.000 sinh viên tốt nghiệp, mà có khoảng 1/2 không có việc làm là điều đáng buồn. Đây hoàn toàn không phải do chất lượng đào tạo kém mà do sự bất hợp lý về cơ cấu trình độ lao động bất hợp lý. Người học đại học (ĐH) nhiều hơn người học nghề, thì thất nghiệp là điều chắc chắn. Việc tôi có nêu người có 3 bằng ĐH cũng thất nghiệp chỉ là một ví dụ minh họa cho thực tế này.
* Thưa ông, khâu phân luồng thời gian qua đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn là một trong những khâu yếu của tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Theo đánh giá của ông, đâu là nguyên nhân chính của thực trạng này?
- Có nhiều nguyên nhân, nhưng tập trung ở một số nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, nhận thức của người dân và xã hội vẫn còn nặng nề về vấn đề bằng cấp, học vị, danh hiệu... do vậy con em mình dù năng lực hạn chế vẫn phải muốn cho đi học ĐH bằng được (để thỏa mãn nhu cầu về danh).
Thứ hai, các trường ĐH ngày càng nhiều, chỉ tiêu tuyển sinh ngày một lớn, điều kiện trúng tuyển dễ dàng, bất cứ ai cũng có thể vào học ĐH. Điều này làm cho ĐH đang mất đi giá trị của “giáo dục tinh hoa” và đang dần trở thành “giáo dục phổ cập”. Với tâm lý sính bằng cấp, cộng với vào ĐH dễ quá, nên người ta sẽ chọn vào ĐH, chứ không chọn theo hướng nghề nghiệp.
Thứ ba, công tác giáo dục, hướng nghiệp ở giáo dục phổ thông còn nhiều hạn chế. Các thầy cô giáo dục phổ thông thiếu những kiến thức về giáo dục nghề nghiệp, nên không thể tư vấn, hướng nghiệp cho các em vào giáo dục nghề nghiệp, mà chủ yếu hướng nghiệp cho các em học sinh chọn nghề gì của giáo dục ĐH.
Thứ tư, các chính sách của nhà nước vẫn còn những bất cập trong tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người lao động; coi trọng vấn đề bằng cấp, trình độ của người lao động hơn là năng lực.
* Trước đây, nhân lực Việt Nam được đánh giá là đông đảo, cần cù, chịu khó. Nay chúng ta đang nhanh chóng đi qua giai đoạn cơ cấu dân số vàng và các phẩm chất “cần cù, chịu khó” cũng không còn là ưu tiên số 1 của các nhà tuyển dụng. Với xu thế hiện nay, theo ông đâu là những yếu tố, phẩm chất mà lao động Việt Nam cần hướng đến?
- Ngày nay, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, những yêu cầu đối với người lao động cũng khác so với trước đây.
Về chuyên môn: Các doanh nghiệp đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng lao động tốt, chuyên nghiệp. Như vậy, hướng đến trong tương lai rất gần, bất cứ công việc gì, nghề nghiệp nào trong thị trường lao động cũng đòi hỏi người lao động phải được đào tạo. Mặt khác, sự thay đổi từ kỹ năng kỹ thuật sang các kỹ năng tư duy hệ thống, giải quyết vấn đề... trở thành yêu cầu mới cấp bách trong nhiều ngành nghề. Điều này dẫn đến sự cần thiết phải liên tục đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho người lao động;
Về phẩm chất nghề nghiệp: Sự “cần cù, chịu khó” vẫn là những phẩm chất mà các doanh nghiệp cần đến ở người lao động, nhưng không phải là mối quan tâm số 1 của doanh nghiệp. Bên cạnh sự cần cù chịu khó, các phẩm chất khác như: Tiếp thu tốt, chịu học hỏi, chịu thay đổi; có óc sáng tạo và khả năng đóng góp sáng kiến; có tinh thần đồng đội; có trách nhiệm cao với công việc; gắn bó trung thành, biết giữ bí mật; hoạt bát, tự tin, giỏi giao tiếp...
* Cá nhân ông cho rằng “nguồn lực nội sinh của đất nước là quan trọng nhất và con người là trọng tâm”. Chúng ta sẽ xây dựng nguồn lực nội sinh này trên những cơ sở nào và đâu là mục tiêu số 1 để hướng tới, thưa ông?
- Nguồn lực nội sinh còn được gọi là sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia, được cấu thành từ hai nguồn: Sức mạnh cứng (gồm trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, nguồn lao động, tiềm lực về kinh tế, quốc phòng, an ninh…) và sức mạnh mềm (thể chế chính trị, truyền thống lịch sử - văn hóa, sức sáng tạo của con người, hệ giá trị và chính sách của quốc gia).
Nguồn lực nội sinh do cộng đồng dân tộc, quốc gia tự sản sinh, bồi đắp trong chiều dài lịch sử, qua sự tương tác, cải tạo thế giới tự nhiên. Đồng thời, đó cũng là kết quả của quá trình không ngừng học tập, trau dồi, tiếp thu tri thức, thành tựu văn minh nhân loại để kết thành hệ giá trị, nguồn lực nội sinh của mình.
Như vậy, nguồn lực nội sinh là kết quả của quá trình sáng tạo bền bỉ về vật chất và tinh thần của người dân mỗi quốc gia trong quá trình tương tác với thế giới tự nhiên, xã hội, được biểu hiện phong phú qua nhiều dạng thức, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đáp ứng tốt nhu cầu sinh tồn của người dân và sự phát triển của mỗi dân tộc.
Do vậy, việc tập trung phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp nói riêng là một trong những mục tiêu để phát huy nguồn lực nội sinh của đất nước.
* Ông cho rằng chiến lược xây dựng nhân lực phải có ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Với giai đoạn ngắn hạn trước mắt, theo ông yếu tố nào là quan trọng nhất?
- Với giai đoạn ngắn hạn trước mắt, theo tôi phải tập trung vào vấn đề hệ thống, vấn đề quy mô, tức là những kế hoạch, giải pháp mang tính “chiều rộng”. Những vấn đề phải quyết ở giai đoạn này là hoàn thiện hệ thống từ các quy định pháp luật, các cơ chế, chính sách đến vấn đề quy mô tổ chức bộ máy, mạng lưới cơ sở đào tạo; quy mô giáo viên; quy mô tuyển sinh, đào tạo... Những bất cập trong các cơ chế, chính sách cũ cần phải được dỡ bỏ, tháo gỡ; hình thành các cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy việc đào tạo, phát triển nhân lực.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!