Ai đứng sau CLB Tình Người có dấu hiệu mê tín dị đoan?: "Lỗ hổng" quản lý dẫn đến nguy cơ trục lợi tiền từ thiện

TRẦN TUẤN - PHAN LOAN |

Đang hoạt động là một Chi hội trực thuộc Hội chữ thập đỏ TP.Hà Nội, vận động số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng/năm cho hoạt động thiện nguyện, bỗng dưng Chi hội Tán trợ chữ thập đỏ Tình Người xin rút khỏi Hội chữ thập đỏ TP.Hà Nội mà không nêu rõ lý do. Sau đó, nhóm cầm đầu lập CLB mới trực thuộc công ty do chính họ quản lý với nòng cốt là các thành viên Chi hội cũ, tiếp tục kêu gọi tài trợ, từ thiện...

Vận động quyên góp hàng trăm tỉ rồi… xin rút lui khỏi Hội chữ thập đỏ

Chiều 1.4, liên quan đến các thông tin đang dậy sóng dư luận về CLB Tình Người, Báo Lao Động có cuộc làm việc với ông Nguyễn Xuân Quý - Chánh Văn phòng Hội chữ thập đỏ TP.Hà Nội. Trong quá trình hoạt động 10 năm từ 2011 - 2021, CLB này có đến 8 năm trực thuộc Hội chữ thập đỏ TP.Hà Nội dưới tên gọi Chi hội tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người.

Ông Nguyễn Xuân Quý cho biết, ngày 25.5.2011, Hội Chữ thập đỏ TP.Hà Nội có quyết định thành lập Chi hội tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người.

“Thời điểm đó, họ có đề án xin thành lập CLB, đơn xin gia nhập trực thuộc Hội chữ thập đỏ Thành phố. Căn cứ điều lệ Hội chữ thập đỏ Việt Nam, căn cứ vào hướng dẫn thực hiện điều lệ, xét thấy đủ điều kiện nên Hội chữ thập đỏ TP.Hà Nội đã đồng ý” - ông Quý cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Quý - Chánh Văn phòng Hội chữ thập đỏ TP.Hà Nội - trao đổi với PV Báo Lao Động. Ảnh: Trần Tuấn
Ông Nguyễn Xuân Quý - Chánh Văn phòng Hội chữ thập đỏ TP.Hà Nội - trao đổi với PV Báo Lao Động. Ảnh: Trần Tuấn

Được biết, ông Kim Bình Trọng (Chủ tịch CLB Tình Người hiện tại) là người đứng đơn, sau đó cũng là Chi hội trưởng. CLB lúc đó còn có 1 Chi hội phó là Trần Ngọc Việt, 8 ủy viên Ban chấp hành và 51 hội viên. CLB này không cùng trụ sở với Hội Chữ thập đỏ Hà Nội mà thuê ở nhiều nơi khác nhau.

“Qua quá trình kiểm tra chưa phát hiện được vi phạm về nghị quyết, điều lệ hội hay Luật hoạt động chữ thập đỏ ở Chi hội này” - ông Nguyễn Xuân Quý nói.

Theo báo cáo của Hội chữ thập đỏ TP.Hà Nội, từ năm 2015 - 2019, Chi hội tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người vận động được và sử dụng gần 111 tỉ đồng cho hoạt động từ thiện. Việc thu, chi tài chính đều có sổ sách theo dõi. Đáng chú ý, số tiền chi hội này vận động quyên góp được qua các năm tăng theo cấp số nhân. Nếu như năm 2015 chỉ là hơn 688 triệu đồng thì năm 2019 lên tới gần 47 tỉ đồng, tức gấp gần 70 lần.

Trong quá trình hoạt động trực thuộc Hội Chữ thập đỏ TP.Hà Nội, theo ông Quý, đơn vị này cũng từng một số lần nhận được phản ánh của báo chí về việc hoạt động của chi hội có dấu hiệu mê tín dị đoan, trục lợi từ thiện. Hội Chữ thập đỏ TP.Hà Nội đã yêu cầu chi hội báo cáo. Tuy vậy, khi các đơn vị liên quan và lực lượng Công an vào kiểm tra thì đều không chứng minh được.

Sau đó, quá trình hoạt động CLB vẫn diễn ra bình thường, bỗng nhiên ngày 10.7.2019, Chi hội tán trợ chữ thập đỏ Tình Người có đơn xin dừng hoạt động chữ thập đỏ và không trực thuộc Hội chữ thập đỏ Hà Nội nữa. Lý do được chi hội này nêu ra là: “Càng phát triển trong công tác chữ thập đỏ, Chi hội càng thấy một số điểm không phù hợp” nhưng lại không thấy nêu cụ thể các điểm không phù hợp là như thế nào.

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, chỉ sau thời gian ngắn rời khỏi Hội Chữ thập đỏ Hà Nội, ngày 30.7.2019, Chi hội Tán trợ đổi tên gọi thành Câu lạc bộ Tình Người trực thuộc Công ty TNHH Phát triển Trí tuệ cộng đồng do ông Kim Bình Trọng làm Chủ tịch Câu lạc bộ; ông Trần Ngọc Việt và ông Nguyễn Vinh Hiển làm Phó Chủ tịch Câu lạc bộ.

Đáng chú ý, Công ty TNHH Phát triển Trí tuệ cộng đồng chỉ mới đi vào hoạt động cách đó 2 tuần, tức ngày 16.7.2019. Và, 6 thành viên góp vốn vào công ty là Kim Bình Trọng, Phạm Thị Bình, Nguyễn Vinh Hiển, Trần Ngọc Việt, Nguyễn Văn Điệp, Trần Hoàng Lan đều nằm trong Ban chấp hành của CLB Tình Người. Trong đó, Kim Bình Trọng giữ vai trò Chủ tịch CLB, Trần Ngọc Việt, Nguyễn Vinh Hiển đều là Phó Chủ tịch CLB.

2 Phó Chủ tịch CLB Tình người là ông Trần Ngọc Việt (trái) và ông Nguyễn Vinh Hiển (sau), trong buổi làm việc với PV Lao Động. Ảnh: Phan Loan
2 Phó Chủ tịch CLB Tình người là ông Trần Ngọc Việt (trái) và ông Nguyễn Vinh Hiển (sau), trong buổi làm việc với PV Lao Động. Ảnh: Phan Loan

Gần 2 tháng sau, ngày 17.9.2019, CLB này thành lập Câu lạc bộ Tình Người Mifaco (TPHCM) do ông Điền Quang Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 - làm Chủ tịch CLB. Cơ sở này được quảng bá là “cánh tay nối dài từ Bắc vào Nam” của CLB Tình Người ngoài Hà Nội. Sau CLB Tình Người Mifaco, một cơ sở nữa tiếp tục được thành lập tại Quảng Trị.

Sau khi rời khỏi Hội chữ thập đỏ Hà Nội, hoạt động trong giai đoạn cuối 2019 - đầu năm 2021, nhiều hoạt động CLB Tình Người bị phản ánh là mê tín dị đoan, có dấu hiệu lợi dụng tâm linh để trục lợi. Đỉnh điểm là việc, hàng chục người nhận là nạn nhân trong các hoạt động của CLB này phản ánh sự việc đến nhiều tờ báo Trung ương, địa phương gần đây.

Lỗ hổng từ Luật gây nguy cơ trục lợi tiền quyên góp từ thiện

Trao đổi với PV Báo Lao Động luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, thời điểm đầu thành lập Chi hội tán trợ chữ thập đỏ xin được trực thuộc Hội Chữ thập đỏ Hà Nội là 1 tổ chức của nhà nước, uy tín nên dễ dàng kêu gọi, vận động được số tiền lớn trong hoạt động từ thiện. Bên cạnh đó, hoạt động kêu gọi và sử dụng tiền từ thiện cũng được Hội chữ thập đỏ TP.Hà Nội giám sát chặt chẽ nên sẽ không để xảy ra tình trạng thất thoát, trục lợi.

Bất thường ở chỗ, sau đó, những người cầm đầu đã tách ra lập CLB mới trực thuộc công ty do chính họ quản lý thì ai sẽ là người kiểm tra, giám sát việc thu - chi minh bạch, đúng pháp luật. Đặc biệt, số tiền huy động từ thiện từ hội viên lên tới hàng chục tỉ đồng và tăng theo cấp số nhân qua các năm.

“Câu hỏi đặt ra là liệu có mượn danh, mượn uy tín của Hội chữ thập đỏ TP.Hà Nội để thu nạp thành viên, tạo thành hệ thống sau đó xin tách ra riêng để tránh việc phải công khai, minh bạch thu chi số tiền tài trợ, quyên góp hay không. Việc này cơ quan điều tra sẽ làm rõ” - luật sư La Văn Thái cho biết.

Đồng quan điểm, theo Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Công ty TNHH Luật sư X), từ thiện thì mọi cá nhân, doanh nghiệp đều có thể kêu gọi được. Nhưng hiện đang có lỗ hổng về vấn đề quản lý, giám sát tiền từ thiện đối với các tổ chức, cá nhân. Đây có thể là kẽ hở giúp các đối tượng trục lợi từ thiện từ lòng tin người khác.

Liên quan đến vấn đề này, tháng 10.2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Tài chính chủ trì khẩn trương xây dựng Nghị định mới, thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện. Bộ Tài chính đã công khai bản dự thảo lên cổng thông tin điện tử để toàn dân góp ý từ ngày 25.12.2020. Dự thảo đã tích hợp đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo hướng tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân thuận lợi hơn khi làm việc thiện. Trong đó, Dự thảo đề cao tính công khai, minh bạch đối với cả tổ chức và cá nhân trong việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện. Đơn cử, dự thảo quy định cá nhân tham gia vận động "có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu".

TRẦN TUẤN - PHAN LOAN
TIN LIÊN QUAN

Mạo danh nhà chùa, trục lợi bạc tỉ: Lật tẩy chiêu trò bán vật phẩm tâm linh

NHÓM PV LAO ĐỘNG |

Với chiêu thức mạo danh nhà chùa, một nhóm đối tượng đã yêu cầu người dân phải nhận các vật phẩm tâm linh với giá từ vài trăm ngàn đồng đến tiền triệu. PV Báo Lao Động đã có nhiều tháng thâm nhập trong vai nhân viên và tận thấy chiêu trò lừa đảo, biến hóa đầy tinh vi của hình thức trục lợi tâm linh.

Mạo danh nhà chùa, trục lợi bạc tỉ: Bí ẩn nguồn gốc "data phong thủy"

Nhóm pv Lao động |

Để có được thông tin cá nhân của người dân, nhiều đối tượng đã lập ra các fanpage chuyên về tâm linh, bói toán. Từ đó đăng tải các bài viết kích thích người dân để lại thông tin. Đây chính là nguồn khách dồi dào cho hoạt động mạo danh nhà chùa, bán vật phẩm tâm linh dạng lừa đảo.

Đền chùa, di tích mở cửa trở lại: Vẫn còn nhiều người "quên" đeo khẩu trang

LAN ANH - THÙY DUNG |

Theo ghi nhận trong những ngày đầu mở cửa trở lại, các đình chùa, cơ sở tôn giáo nói chung và các di tích đã thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, vẫn còn một số người "quên" mang khẩu trang.