Ngay từ lúc Hội nghị chưa diễn ra vậy mà trên một số diễn đàn, mạng xã hội đã có những bài viết, những ý kiến của một số người tự xưng là “nhà dân chủ”, “trí thức”, “người yêu nước” đã xuyên tạc về bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN). Sau khi Hội nghị thành công và Quốc hội Khóa XV họp kỳ thứ tư thì chính những người này lại tiếp tục đưa những thông tin sai lệnh, xuyên tạc về Nhà nước pháp quyền XHCN của chúng ta.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên những phần tử bất mãn, chống đối xuyên tạc về Nhà nước pháp quyền XHCN. Từ nhiều năm qua, cứ mỗi lần Quốc hội họp, mỗi lần bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp là các luận điệu chống phá về Nhà nước pháp quyền XHCN lại được các phần tử này đem ra “chép lại”, có thêm chút “mắm muối”. Thế nhưng dù có “tung hỏa mù” có những “vỏ bọc kín đáo” thì luận điệu đó vẫn không che nổi bản chất, âm mưu thâm độc của họ.
Có lẽ những người nói trên không biết hoặc cố tình không biết rằng, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là một phương thức tổ chức quyền lực nhà nước dựa trên nền tảng Hiến pháp và pháp luật, vì dân chủ, con người, quyền con người, quyền công dân. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là một trong những đặc trưng của xã hội XHCN Việt Nam, là một trong những phương hướng cơ bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, được xây dựng, hoàn thiện đồng thời với xây dựng, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và thực hiện dân chủ XHCN. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, dân chủ XHCN, kinh tế thị trường định hướng XHCN là ba trụ cột phát triển đất nước.
Bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận và thực tế cũng đã khẳng định điều đó.
Việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là hoàn toàn phù hợp cả về mặt lý luận và thực tiễn. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được xây dựng trên cơ sở vận dụng sáng tạo các quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ, tham khảo kinh nghiệm từ nước ngoài.
Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá, nhiều đối tượng xấu đã xuyên tạc, công kích, đưa ra các bài viết làm sai lệch bản chất vấn đề. Một số bài viết cho rằng “đã là nhà nước pháp quyền thì không thể đi đôi với XHCN”, đưa ra “kiến nghị” đòi bỏ nội dung XHCN trong đề án xây dựng nhà nước pháp quyền. Thậm chí, một số người còn cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam “đứng trên pháp luật” nên không thể có nhà nước pháp quyền.
Thực tế đã chứng tỏ Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Tại Việt Nam hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam luôn bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật đều phải có nghĩa vụ và trách nhiệm tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.
Trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo không có nghĩa là “đứng trên pháp luật”, “không tuân thủ pháp luật” như những gì các đối tượng xấu cố tình bôi nhọ. Tất cả các tổ chức của Đảng và đảng viên đều phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật tuỳ theo tính chất, mức độ, hậu quả sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng phải thừa nhận rằng, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của chúng ta cũng đã bộc lộ những hạn chế, khiếm khuyết, trong đó có vấn đề tham nhũng, suy thoái, những hiện tượng tiêu cực trong đời sống văn hoá, xã hội còn diễn biến phức tạp, nhiều vấn đề tồn tại kéo dài khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng tới sự uy nghiêm của luật pháp và niềm tin của người dân vào thể chế. Tuy nhiên, những tồn tại đó có nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập, mở cửa, luật pháp chưa đầy đủ, còn những kẽ hở bị lợi dụng; công tác quản lý Nhà nước còn những yếu kém, còn tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái, nhũng nhiễu.
Vấn đề là Đảng, Nhà nước ta nghiêm túc nhìn nhận hạn chế, thiếu sót, đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để chấn chỉnh, đặc biệt là việc xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Để xây dựng Đề án trên, Ban Chỉ đạo đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc gia, lấy ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy và nhiều cuộc tọa đàm chuyên sâu để lấy ý kiến rộng rãi. Quá trình xây dựng Đề án được đánh giá cao về cách làm bài bản, dân chủ, khoa học, tạo được sự đồng thuận cao trong các tập thể, cá nhân tham gia xây dựng Đề án. Tại Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nhất trí thông qua Đề án này.
Thực tế đã chứng tỏ Việt Nam xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Mọi người hãy cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc về Nhà nước pháp quyền XHCN của chúng ta.