Bán mua "data phong thủy"
Trong nhiều nhóm kín về mua bán thông tin cá nhân, nếu như các dữ liệu về bất động sản, mỹ phẩm, ô tô, dịch vụ giải trí,... có thể được tìm thấy tràn lan, còn riêng với loại dữ liệu phong thủy, đó không phải điều dễ dàng.
"Data phong thủy" tức các thông tin của những người được cho là đã từng công đức, thỉnh tài lộc trong các nhà chùa được bán mua hết sức kín đáo.
Tìm kiếm rất nhiều nhóm, PV mới có thể lọc ra vài tài khoản còn lưu lại một số bài đăng rao bán loại thông tin này. Trong vai người có nhu cầu mua data phong thủy, PV đã bắt mối với tài khoản H.T.H, người này cho biết hiện đang làm thêm cho một công ty bán data khách hàng thỉnh lộc bình an.
“Bên tôi bán danh sách khách hàng đi chùa thỉnh lộc, mua nhang khói, ủng hộ, quyên góp, tích đức về cho nhà chùa, bạn muốn dùng data ở tỉnh nào thì bên tôi lọc. Data bên tôi lọc và xuất cho công ty, nguồn data bao sống (còn hoạt động - PV) trên 95%”. – người này chia sẻ.
Một tài khoản khác có tên “K.V trùm data” cho biết hiện đang có khoảng 100 nghìn số điện thoại của chùa Bái Đính (Ninh Bình) và chùa Tam Chúc (Hà Nam). Về giá cả, người này hiện đang bán các gói dữ liệu gồm: gói 5 nghìn số có giá 1.000đ/số, gói 10 nghìn số giảm 20% còn 800đ/số, gói 20 nghìn số giảm 30% còn 700đ/số.
Theo tìm hiểu của PV, thông tin khách hàng sẽ được lọc và xuất theo nhu cầu của người mua, có thể lọc theo tên chùa, tên cô cậu làm lễ, theo tỉnh thành, mạng điện thoại, vật phẩm khách hàng từng thỉnh, số tiền trước đây khách hàng đã từng công đức,...
Đáng chú ý, các tài khoản bán mua data phong thủy rất cẩn trọng trong giao dịch. Chỉ cho kiểm tra file dữ liệu nếu có facebook chính chủ.
Kết nối với một tài khoản có tên V.Ư, người này cho biết hiện đang bán data của cô đồng Ngọc Hân (chùa Bái Đính), giá data 500đ/số, lượng data có tổng cộng từ 40-50 nghìn số.
Tỏ ra nghi ngờ về độ tin cậy của nguồn dữ liệu, các chủ data đều khẳng định 100% thông tin khách hàng đúng và chuẩn, được xuất ra từ các chùa để lấy sự tin tưởng.
Chủ yếu từ các fanpage tâm linh
Trong vai một chủ cơ sở tìm mua dữ liệu khách hàng, PV đã hẹn gặp với H.Đ - đầu mối chuyên cung cấp data cho các cơ sở bán vật phẩm tâm linh. Cuộc gặp diễn ra tại một địa điểm ở huyện Nho Quan, Ninh Bình.
Ngay sau khi biết được nhu cầu của phóng viên, H.Đ đã nhanh chóng cho biết, muốn lấy thông tin của người dân, cách tốt nhất là phải lập các fanpage về tâm linh.
"Tôi lấy ở mấy chùa gần nhà và đa số là lấy từ fanpage trên Facebook. Nếu bạn làm fanpage thì phải bỏ tiền chạy quảng cáo và chăm sóc thường xuyên. Nghĩa là nhân viên của bạn phải đăng bài, tôi sẽ hỗ trợ kịch bản tiếp cận khách hàng cho" - H.Đ cho hay.
Theo đầu buôn data này, những bài viết hút khách trên fanpage sẽ là kiểu xem bói chỉ tay, xem tướng số,... Các bài viết sẽ đi kèm yêu cầu người dân để lại số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ dưới comment. Cứ như vậy, với phương thức này, các chủ trang thu thập được một lượng lớn dữ liệu khách hàng tiềm năng trên Facebook.
H.Đ vừa nói, vừa lấy điện thoại lướt qua một loạt các fanpage với các tên gọi như "Cô Ngọc Hân", "Cô Lan Ngọc",... với hàng ngàn lượt theo dõi, tương tác trong các bài viết.
Thấy khách hàng có vẻ vẫn chưa tin tưởng, H.Đ còn mở laptop khoe một loạt tệp dữ liệu với thông tin khách hàng, quảng cáo là của các chùa Bái Đính, Tam Chúc, Thanh Lâm,...
"Nói chung data thoải mái. Chỉ sợ bạn dùng không hết. Cứ vài tuần tôi lại nhập data mới. Giờ tôi sẽ gửi một vài số cho bạn kiểm tra trước. Nếu đồng ý thì lấy" - H.Đ khẳng định về lượng data dồi dào mà mình sở hữu.
Không chỉ với cách thức này, đầu buôn data còn cho biết có những mối quan hệ thân quen khác có thể tuồn data ra ngoài. Từ đây, anh ta cho nhân viên lọc qua rồi bán lại cho các chủ cơ sở với giá từ vài 500 ngàn đồng - 1 triệu đồng/1.000 số data.
Liên quan đến việc nhiều đối tượng quảng cáo có được danh sách công đức từ bên trong nhà chùa, Đại đức Thích Nguyên Chính - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết Giáo hội Phật giáo quản lý rất chặt chẽ và việc lộ lọt các thông tin của người dân ra bên ngoài là không thể.
"Trong hình thức công đức của người dân, sẽ có kiểu đưa tận tay cho các vị trụ trì, có những người dâng lên Tam Bảo, có những người xin ghi danh sách vào sổ vàng để nhà chùa kêu cầu, hoặc có cả những người không cần ghi tên, ghi tuổi, không cần nhận phiếu công đức, có rất nhiều trường hợp như vậy" - Đại đức Thích Nguyên Chính thông tin.
Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho biết, kể cả khi người dân muốn ghi sổ công đức, các nhà chùa cũng chỉ lưu lại tên, địa chỉ của người dân chứ không bao giờ lấy số điện thoại. Những quảng cáo nói là có danh sách công đức của người dân từ bên trong nhà chùa đưa ra là hoàn toàn sai sự thật và người dân cần cảnh giác.
Về thông tin liệu có khả năng dữ liệu công đức của người dân bị lộ lọt ra bên ngoài, Thượng tọa Thích Minh Quang - Phó Trụ trì Chùa Bái Đính khẳng định không thể có chuyện này.
"Cái đó người ta lấy trên mạng chứ trong nhà chùa làm sao có được" - Thượng tọa Thích Minh Quang - Phó Trụ trì Chùa Bái Đính nói.
Phóng viên Báo Lao Động cũng đã thử kiểm tra ngẫu nhiên 5 số điện thoại được các đối tượng bán data cung cấp. Thực tế, trên hệ thống của Chùa Bái Đính không có các dữ liệu này.