Tỉnh An Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 có 170 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp Quốc gia, theo TTXVN.
Đến năm 2025, tỉnh An Giang nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Tỉnh phấn đấu ít nhất có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
An Giang cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó, ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; có ít nhất 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.
Đến năm 2025, tỉnh An Giang phấn đấu có 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử... Mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch tại địa phương…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết: “Trong định hướng phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh An Giang sẽ gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái... đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời tăng cường liên kết bền vững, khả năng truy xuất nguồn gốc giữa chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP với vùng nguyên liệu…”.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang thông tin, An Giang sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm. Tỉnh cũng tập trung thử nghiệm và nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP; xây dựng hệ thống xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế…
Tính đến đầu tháng 3.2023, tỉnh An Giang đã có 88 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có 2 sản phẩm đạt 5 sao - cấp quốc gia, 16 sản phẩm đạt 4 sao và 70 sản phẩm đạt 3 sao. Trong số các sản phẩm được chứng nhận OCOP, có 63 sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm; 21 sản phẩm đồ uống; 4 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí. Đồng thời, 59 chủ thể kinh tế có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, gồm 6 hợp tác xã, 20 doanh nghiệp, 33 cơ sở sản xuất.
Hiện An Giang có 2 sản phẩm OCOP 4 sao là Đường thốt nốt bột của Công ty Phát triển đặc sản vùng miền Trần Gia và sản phẩm Tương hột của Công ty Sản xuất thương mại Thanh Hồ được chọn là sản phẩm OCOP tiêu biểu của vùng đồng bằng sông Cửu Long.