Tìm kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống
Nhiều tháng liền công ty khó khăn về đơn hàng kéo theo thu nhập sụt giảm, từ đầu tháng 3.2023, anh Phạm Văn Cường (công nhân nhà trọ xã Tân Tiến, huyện An Dương) xin nghỉ việc tại một doanh nghiệp lớn trong Khu công nghiệp Tràng Duệ - nơi anh đã gắn bó hơn 3 năm. Theo anh Cường, thời kỳ đơn hàng dồi dào, mỗi tháng anh thu nhập khoảng 12 triệu đồng, nhưng từ nhiều tháng nay công ty không có việc, thu nhập xuống còn 7 - 8 triệu đồng.
Công việc của vợ anh Cường tại Khu công nghiệp Nhật Bản - Hải Phòng cũng không khá hơn vì đang phải nghỉ luân phiên, cắt giảm ngày làm việc thứ 7 do công ty hết việc. Áp lực kinh tế đè nặng khi phải chăm lo cho 3 đứa con nhỏ, anh Cường đành từ bỏ công việc hiện tại, làm lao động tự do - thợ sửa bình lọc nước với thu nhập mỗi tháng 13 - 15 triệu đồng.
Công ty ít việc, không tăng ca khiến thu nhập hằng tháng của chị Nguyễn Thị Lan (quê Tuyên Quang, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp giày Aurora) giảm ít nhiều. Để có tiền trang trải cuộc sống, chị Lan và bạn cùng phòng rủ nhau kinh doanh trà sữa sau giờ làm việc.
Tìm hiểu tại nhiều khu nhà trọ trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, từ sau Tết, tình trạng công nhân nghỉ việc về quê ngày càng nhiều. Bà Nguyễn Thị Dinh - chủ nhà trọ An Bình (Thủy Sơn, Thủy Nguyên) - cho biết: Hiện khu trọ của bà Dinh có hơn 10 phòng trống (trong tổng số 30 phòng) - điều chưa từng xảy ra trong suốt 5 năm.
Cùng người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn
Theo khảo sát sơ bộ của Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP.Hải Phòng, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đơn hàng bị sụt giảm, không thể bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Một số đơn vị đã phải cắt giảm lao động, không tuyển mới, hoặc bố trí cho người lao động nghỉ luân phiên.
Thu nhập của người lao động cũng giảm 1 - 2 triệu đồng/người/tháng tuỳ từng đơn vị cũng như số ngày, giờ làm bị cắt giảm. Hiện, LĐLĐ TP.Hải Phòng đang chỉ đạo các cấp công đoàn khẩn trương thống kê danh sách đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động để phê duyệt, chi hỗ trợ kịp thời, phù hợp thực tiễn.
Cùng với đó, triển khai nhiều hoạt động chăm lo, trợ cấp cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc, nhỡ việc.
Cùng với sự chăm lo của tổ chức Công đoàn, nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn Hải Phòng cũng giúp đỡ người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn. Như tại khu nhà trọ An Bình của bà Nguyễn Thị Dinh, bà Dinh thường xuyên nắm bắt, động viên người lao động, trường hợp quá khó khăn, bà Dinh giảm giá thuê phòng từ 100.000 - 200.000 đồng/tháng. Hay như khu trọ của ông Đào Văn Hoán (phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh) miễn phí tiền Internet cho người lao động...