Chăm lo đời sống cho đồng bào các dân tộc
Đồng bào các dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng chăm lo cho cuộc sống vật chất tinh thần, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đồng bào Mông theo đạo Tin Lành ở xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, Lai Châu là một ví dụ. Cứ mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần, các tín đồ chức sắc Tin Lành bà con dân tộc Mông lại tập trung ở Pờ Ngài, một trong 7 điểm sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn xã Huổi Luông.
Dù quãng đường đến điểm sinh hoạt chung phải đi qua nhiều con dốc, con suối dài gần chục cây số, thời tiết mưa nắng thất thường, nhưng anh Lý A Phòng, người dân tộc Mông (xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ) và nhiều tín đồ khác không vắng mặt trong bất kỳ buổi sinh hoạt nào.
Chia sẻ với Lao Động, anh Phòng cho biết, khi đến những buổi sinh hoạt chung, anh và các tín đồ đạo thánh Tin Lành không chỉ được nghe giảng kinh, hát Thánh ca, cầu nguyện mà còn được chia sẻ, trao đổi những việc khác trong bản.
“Tôi rất vui khi được tham gia những buổi sinh hoạt này. Chính quyền địa phương đã công nhận sinh hoạt ở điểm nhóm và luôn tạo điều kiện cũng như hợp tác với bà con trong bản", anh Phòng nói.
Theo anh Phòng, trong các buổi sinh hoạt, chính quyền xã cũng nhắc nhở bà con không đi nghe tín đồ ở ngoài, không nghe kẻ xấu lợi dụng, một lòng tuân thủ hướng dẫn của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
Tạo mọi điều kiện để người dân sinh hoạt tôn giáo
Còn anh Lý A Di, một tín đồ khác và cũng là trưởng điểm nhóm sinh hoạt Hội thánh Tin Lành ở Pờ Ngài, xã Huổi Luông cho biết, mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần, điểm sinh hoạt Pờ Ngài đón khoảng 190 tín đồ.
"Điều mà bà con tín đồ phấn khởi nhất là luôn được chính quyền xã tạo điều kiện và giúp đỡ đồng bào sinh hoạt một cách thuận lợi, có thể được tự do trao đổi với nhau, học về Chúa", anh Di nói.
Trong các buổi sinh hoạt tôn giáo tập trung, chính quyền còn chia sẻ với bà con về Tam giáo và những công việc khác. Ví dụ vào những ngày trời mưa khuyên bà con không nên đi đâu xa để tránh lũ lụt. Mùa nắng, mùa khô thì chia sẻ với bà con cách phòng cháy chữa cháy,...
Anh Vừ A Dế, một tín đồ Tin Lành người Mông ở xã Huổi Luông cho biết, anh rất vui khi đường sá giao thông trong bản đã được bê tông hóa toàn bộ. Do vậy, bà con tín đồ đến sinh hoạt tiết kiệm được rất nhiều thời gian đi lại.
“Chính quyền địa phương rất tạo điều kiện và quan tâm đến bà con bản chúng tôi. Trong đó xây dựng con đường bê tông dài 4km từ bản vào thị trấn Phong Thổ, rồi làm 800m đường bê tông từ đầu bản cho đến cuối bản nên việc đi lại rất thuận lợi”, anh Dế chia sẻ.
Trao đổi với Lao Động, ông Tần A Sử, Phó Chủ tịch UBND xã Huổi Luông cho biết, địa bàn xã có diện tích hơn 12.000 ha với 21 bản và hơn 7.000 dân. Đến nay, Huổi Luông có 7 điểm sinh hoạt tôn giáo, trong đó có 6 điểm nhóm theo đạo Tin Lành và một điểm nhóm theo đạo Cơ Đốc.
“Xã đã công nhận cho 3 điểm nhóm để sinh hoạt tập trung và tới đây sẽ công nhận hết cho các điểm nhóm để đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã sinh hoạt tôn giáo một cách thuận lợi nhất”, ông Sử nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Huổi Luông cho biết thêm, thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Nghị định 162 của Chính phủ, chính quyền xã đã, đang và sẽ tạo điều kiện tốt nhất để bà con tín đồ sinh hoạt thuận lợi. Qua đó góp phần làm cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
Cùng với việc thực hiện tốt chính sách dân tộc, công tác dân tộc, Đảng và Nhà nước ta cũng thường xuyên thực hiện có hiệu quả chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo. Tư tưởng nhất quán của Đảng ta là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, hết sức chăm lo đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc.
Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều nghị quyết, chỉ thị, sắc lệnh, nghị định về vấn đề tôn giáo, công tác tôn giáo và Luật Tín ngưỡng Tôn giáo; qua đó, góp phần củng cố, phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.