Lễ Sen Đôn ta năm nay diễn ra từ ngày 1-3.10 (29.8 - 1.9 âm lịch). Tuy nhiên nửa tháng trước, không khí lễ đã bắt đầu rộn ràng ở các phum sóc. Bà con tất bật trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp bàn thờ tổ tiên để chuẩn bị cho lễ chu đáo nhất.
Bà Dương Thị Quý - một hộ Khmer ở xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết nếu như người Hoa, người Kinh có Lễ Vu Lan báo hiếu thì đồng bào Khmer có lễ Sen Đôn ta. Đây là dịp để con cháu trong gia đình bày tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên những người đã khuất.
“Tùy theo điều kiện kinh tế mỗi gia đình sẽ có cách chuẩn bị khác nhau, nhưng lễ vật thường có điểm chung là những món ăn bình dị, gần gũi mang đặc trưng của bà con Khmer trong từng phum sóc”, bà Quý nói.
Bà Quý cho biết thêm tuy cuộc sống ngày nay đã có nhiều đổi thay, nhưng lễ Sen Đôn ta của đồng bào dân tộc Khmer vẫn được gìn giữ, phát huy, mang đậm tính nhân văn và ý nghĩa giáo dục đạo đức sâu sắc.
Trong suốt 3 ngày, các nghi lễ được tổ chức tại chùa và tại nhà như Lễ đặt cơm, Lễ rước ông bà, Lễ cúng ông bà, Lễ tiễn đưa ông bà,..
"Sen Đôn ta còn là dịp để đồng bào Khmer thể hiện sự đoàn kết, thân ái tình làng nghĩa xóm. Bà con trong phum, sóc thay phiên nhau mang lễ vật, hoa quả, nhang đèn, cơm vắt để dâng lễ vào chùa cho các vị sư tụng kinh, cúng kiến nhằm hồi hướng phước báu cho tổ tiên, ông bà, những người thân đã khuất”, bà Quý nói.
Ông Lâm Văn Hùng ở xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) chia sẻ, Lễ Sen Đôn ta năm nay được tổ chức tươm tất hơn mọi năm bởi gia đình vừa thu hoạch xong 5.000m2 lúa Hè Thu với năng suất, giá bán khá cao.
“Vụ lúa này tôi làm giống ST25, được doanh nghiệp bao tiêu với giá 10.800 đồng/kg. Trừ chi phí lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng/1.000m2. Ngoài ra còn thu nhập thêm từ trồng rau màu nữa. Nhờ vậy mà có điều kiện để đón Lễ đủ đầy hơn”, Ông Hùng nói.
Bà Kim Thị Lương ở thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) cho biết năm nay đón nghi lễ truyền thống của dân tộc ý nghĩa nhất từ trước đến giờ. Bởi gia đình bà vừa được Nhà nước hỗ trợ căn nhà mới khang trang.
"Nhà nghèo nên căn nhà mục nát hết cũng không có điều kiện sửa chữa. Được địa phương hỗ trợ nhà mới rồi chuyển đổi ngành nghề nên vợ chồng tôi quyết định mua chiếc xe gắn máy chạy xe ôm để có đồng ra đồng vào", bà Lương nói.
Tỉnh Sóc Trăng có khoảng 400.000 đồng bào Khmer, chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh. Những năm qua từ các chương trình, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc cùng với sự chăm lo của các cấp Ủy Đảng, chính quyền địa phương, đời đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng không ngừng khởi sắc.
Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh còn 8.521 hộ nghèo, 21.515 hộ cận nghèo. Trong đó có 4.073 hộ nghèo và 8.230 hộ cận nghèo người dân tộc Khmer. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2%/năm; tỷ lệ này trong hộ Khmer giảm 3%/năm.