Những sắc màu văn hóa độc đáo của dân tộc Hà Nhì ở cực Tây Tổ quốc

VĂN THÀNH CHƯƠNG |

Người dân tộc Hà Nhì tại Điện Biên sống ổn định và tập trung ở các xã biên giới cực Tây Tổ quốc. Nền văn hóa của người Hà Nhì rất phong phú, mang đậm bản sắc, ít chịu sự ảnh hưởng, giao thoa từ các nền văn hóa khác.

Đa dạng những sắc màu văn hóa

Nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc mang tính nhận diện di sản vẫn được người Hà Nhì duy trì trong đời sống thường ngày. Đặc biệt, thể hiện rõ nhất trong các dịp lễ, tết như: Lễ tết tháng 2 (Gạ ma thú); Lễ cầu mưa; Lễ cúng rừng, tết Hồ Sự Chà (Tết cơm mới) hay Khụ Sự Chà - Tết Cổ truyền của dân tộc Hà Nhì.

Các dịp lễ tết thường không thể thiếu tục làm bánh trôi nước, giã bánh dầy; mổ lợn cúng tổ tiên, thần linh... Mỗi công việc kèm theo những nghi thức khá đặc biệt, mang bản sắc riêng. Trong ngày tết còn diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ độc đáo như múa xòe, múa nón mô phỏng các động tác điển hình trong lao động, sản xuất, trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày...

Xác định được tầm quan trọng của việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, những năm gần đây, các cấp chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm để đồng bào Hà Nhì từng bước khôi phục bản sắc văn hóa đã có sự mai một. Ngoài ra còn gây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại các bản để duy trì những điệu múa truyền thống mang tính nhận diện văn hóa Hà Nhì…

Những điệu múa tạo nên đặc trưng văn hóa

Người Hà Nhì coi múa là một hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ rất quan trọng trong đời sống. Một số điệu múa làm nên đặc trưng văn hóa của người Hà Nhì như: Múa trống (hừ từ mí xá cự), múa sản xuất (ú chà khộ tố mí xà cự), múa nón (lù hu mí xá cự), múa xòe (cá nhi nhi), múa ngày đẹp (á mì sư).

Người Hà Nhì quan niệm trống là biểu tượng của trời và đất, đánh trống là để báo hiệu niềm vui, báo hiệu chiến thắng. Do đó, các động tác múa trống diễn tả cả quá trình khai hoang, dựng bản, gieo trồng, thu hoạch của người Hà Nhì từ nhiều đời trước. Tiếng trống cất lên trong ngày Tết tượng trưng cho tiếng sấm đầu tiên của năm mới báo hiệu một năm mùa màng bội thu, dân bản có cuộc sống bình yên, no ấm.

Điệu múa sản xuất theo làn điệu dân ca quen thuộc của người Hà Nhì, mô phỏng quá trình lao động sản xuất, sự giao hòa giữa trời đất, thiên nhiên với con người thể hiện qua các động tác nhổ cỏ, cuốc đất, tra hạt và thu hoạch lúa.

Điệu múa nón cũng được coi là điệu múa đặc sắc, tinh tế, thể hiện nét văn hóa độc đáo riêng của dân tộc Hà Nhì. Những cô gái với chiếc “nón giang” trên tay cùng những nụ cười tươi tắn say sưa múa theo điệu nhạc làm mê đắm lòng người. Các bài múa không chỉ nhẹ nhàng, gần gũi với cuộc sống thiên nhiên mà còn thể hiện tinh thần hăng say lao động.

Múa xòe là điệu múa mang tính cộng đồng cao được thể hiện phổ biến nhất, mang những nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng dân tộc Hà Nhì. Mỗi động tác, dáng đứng, cách đi, cách xếp đội hình đều thể hiện những cung bậc cảm xúc và sắc thái khác nhau.

Do đó, múa xòe thường được đông đảo người dân và cả những du khách có mặt cũng có thể hưởng ứng tham gia. Đây là điệu múa thể hiện sự đoàn kết, tất cả những người có mặt tay trong tay múa điệu xòe trên nền tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng.

Văn hóa bắt nguồn từ lao động

Theo ông Pờ Dần Xinh - nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa dân gian, người con ưu tú của dân tộc Hà Nhì tại mảnh đất cực Tây - từ nhiều đời nay, người Hà Nhì đã sáng tạo các điệu múa phục vụ tín ngưỡng dân gian. “Chỉ cần nghe tên các điệu múa: Múa trống, múa sản xuất, múa nón, múa xòe, múa ngày đẹp… chúng ta có thể thấy rất rõ cuộc sống sinh hoạt được hòa quyện và ăn sâu vào văn hóa” - ông Xinh nói.

Người Hà Nhì còn có một số điệu múa như múa lên nương, múa dệt vải, múa cầu mưa, múa vào mùa, múa trông trăng, múa giã bạn… đều gắn với đời sống sinh hoạt và tín ngưỡng phong phú.

Dân số của dân tộc Hà Nhì không nhiều trong 19 dân tộc tại tỉnh Điện Biên và có một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vô cùng đặc sắc. Điều đó được thể hiện ngay trong cuộc sống, trong các điệu múa, đặc biệt là trong các dịp lễ tết...

VĂN THÀNH CHƯƠNG
TIN LIÊN QUAN

Phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng

Phương Anh |

Sáng 10.8, Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng tổ chức họp mặt biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng năm 2023.

Gắn giá trị trang phục dân tộc Lự tỉnh Lai Châu với phát triển du lịch

Thanh Hà |

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã ký văn bản số 2024/QĐ-BVHTTDL về tổ chức hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của dân tộc Lự tỉnh Lai Châu gắn với phát triển du lịch", theo TTXVN.

Bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Thanh Hà |

Với dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, năm 2022 và 2023, Trung ương phân bổ cho tỉnh Bình Định trên 22,5 tỉ đồng và ngân sách tỉnh đối ứng gần 1,7 tỉ đồng.

Phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng

Phương Anh |

Sáng 10.8, Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng tổ chức họp mặt biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng năm 2023.

Gắn giá trị trang phục dân tộc Lự tỉnh Lai Châu với phát triển du lịch

Thanh Hà |

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã ký văn bản số 2024/QĐ-BVHTTDL về tổ chức hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của dân tộc Lự tỉnh Lai Châu gắn với phát triển du lịch", theo TTXVN.

Bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Thanh Hà |

Với dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, năm 2022 và 2023, Trung ương phân bổ cho tỉnh Bình Định trên 22,5 tỉ đồng và ngân sách tỉnh đối ứng gần 1,7 tỉ đồng.