Những người gìn giữ tục hát quan họ trùm đầu ở Bắc Ninh

VÂN TRƯỜNG - TIẾN PHÁT |

Ở làng Quan họ gốc Viêm Xá, Hòa Long (thành phố Bắc Ninh) có tục hát Quan họ trùm đầu được lưu truyền qua bao đời nay.

Những nghệ nhân Quan họ kỳ cựu tại làng Viêm Xá (hay còn gọi là làng Diềm) như: nghệ nhân Trần Thị Phụng, Ngô Thị Lịch, Nguyễn Thị Bàn, Ngô Thị Khu và Nguyễn Thị Thềm luôn được coi là những “báu vật nhân văn sống” miệt mài truyền nghề chơi Quan họ cho các cháu con.

Giữa không gian hồ nước mênh mang, trong nhà chứa quan họ mới phục dựng, những lời ca mộc mạc, luyến láy, rung hơi, nảy hạt của các nghệ nhân Quan họ làng Diềm cứ ngân nga, níu bước chân du khách chẳng cho về.

Nét độc đáo trong không gian sinh hoạt văn hóa Quan họ ở làng Diềm là tổ chức hát Quan họ trùm đầu vào mùa thu, trong những đêm trăng thơ mộng.

Các liền anh đứng bên này rào, cất tiếng hát gọi bạn. Các liền chị nằm trong nhà nghe tiếng hát của bạn thì kéo nhau ra hè hát đối vọng ra. Họ hát những bài Quan họ và cũng hát đối giọng như mọi canh hát Quan họ thông thường, nhưng không theo lề lối mà chủ yếu ca những câu giao duyên nam nữ giọng vặt. Quan họ trùm đầu không cần hát đôi mà thường là cả nhóm nam ca với cả nhóm nữ.

Hát quan họ tại lễ hội ở Lương Tài, Bắc Ninh. Ảnh: Vân Trường.
Hát quan họ tại lễ hội ở Lương Tài, Bắc Ninh. Ảnh: Vân Trường.

Nhà nghiên cứu Quan họ Lê Danh Khiêm (nguyên cán bộ Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Bắc Ninh) phân tích: Sinh hoạt Quan họ diễn ra quanh năm, suốt tháng song thời điểm tập trung, đậm đặc nhất vẫn là vào mùa xuân, trong dịp lễ hội của các làng xóm. Sinh hoạt văn hóa Quan họ gắn bó hữu cơ với mùa lễ hội cho nên, có thể nói mùa xuân chính là mùa Quan họ cũng giống như mùa của hát Trống quân là mùa Trăng (mùa thu).

Làng Diềm có những lúc cả 5 nhóm Quan họ nam và 5 nhóm Quan họ nữ với hàng trăm liền anh, liền chị ở các lứa tuổi, thường xuyên sinh hoạt ở các nhà chứa khác nhau. Vào những đêm trăng sáng mùa thu sẽ có tới 5 điểm hát Quan họ trùm đầu.

Trong hình thức sinh hoạt Quan họ trùm đầu người dân đến nghe, xem và cổ vũ rất đông, tạo nên những buổi sinh hoạt Quan họ sôi nổi khắp xóm làng. Những canh hát trùm đầu như vậy thường kéo dài đến rạng sáng.

Gìn giữ quan họ Bắc Ninh trường tồn cùng thời gian

Ngay từ năm 2009, sau khi Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề án triển khai “Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy di sản Dân ca Quan họ” với những nội dung cụ thể cùng nhiều giải pháp tích cực.

Các trường học tại Bắc Ninh đẩy mạnh dạy dân ca Quan họ cho học sinh. Ảnh: IT.
Các trường học tại Bắc Ninh đẩy mạnh dạy dân ca Quan họ cho học sinh. Ảnh: IT.

Hơn 10 năm qua, môi trường tự nhiên và xã hội của sinh hoạt văn hóa Quan họ là các thôn làng được bảo tồn và phát triển. Các di tích lịch sử văn hóa và lễ hội truyền thống gắn với sinh hoạt văn hóa Quan họ được nhà nước xếp hạng bảo vệ.

Cùng với nhà nước, nhân dân các làng Quan họ đầu tư hàng trăm tỷ đồng để tu bổ, phục hồi di tích và lễ hội, phục dựng lại nhà chứa Quan họ, xây dựng nhà văn hóa thôn, quy hoạch khu tổ chức lễ hội, đầu tư trang thiết bị cho các nhà văn hóa, câu lạc bộ Quan họ…

Từ chỗ chỉ có 49 làng Quan họ gốc và 34 câu lạc bộ, tính đến giữa năm 2019, theo thống kê, toàn tỉnh Bắc Ninh đã phát triển 369 làng Quan họ thực hành, 381 CLB với hơn với trên 10.000 người ở các độ tuổi tham gia, trong đó có hơn 600 người có khả năng truyền dạy. Trên phạm vi cả nước và ở nước ngoài, hàng trăm Câu lạc bộ Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.

VÂN TRƯỜNG - TIẾN PHÁT
TIN LIÊN QUAN

"Năm COVID", nhớ... ngày Chạp họ

VÂN TRƯỜNG |

Từ ngàn đời nay, Chạp họ đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dòng họ tại nhiều vùng quê trên khắp Việt Nam.

Một dải Tây Bắc với huyền sử Nàng Han

TRỊNH THÔNG THIỆN |

Trên Mường Then (có nơi gọi là Mường Trời, nơi trú ngụ của các vị thần linh của dân tộc Thái ở Tây Bắc) như Ải Lậc Cậc, Then Luông, các vị thần mưa, thần gió, thần sông, thần núi... đều có nguồn gốc từ thần thoại do người Thái cổ sáng tạo, để lý giải những hiện tượng tự nhiên xung quanh cuộc sống. Nhưng có một vị thần kỳ lạ là Nàng Han, bước ra từ huyền sử được truyền tụng từ đời này qua đời khác mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

"Năm COVID", nhớ... ngày Chạp họ

VÂN TRƯỜNG |

Từ ngàn đời nay, Chạp họ đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dòng họ tại nhiều vùng quê trên khắp Việt Nam.

Một dải Tây Bắc với huyền sử Nàng Han

TRỊNH THÔNG THIỆN |

Trên Mường Then (có nơi gọi là Mường Trời, nơi trú ngụ của các vị thần linh của dân tộc Thái ở Tây Bắc) như Ải Lậc Cậc, Then Luông, các vị thần mưa, thần gió, thần sông, thần núi... đều có nguồn gốc từ thần thoại do người Thái cổ sáng tạo, để lý giải những hiện tượng tự nhiên xung quanh cuộc sống. Nhưng có một vị thần kỳ lạ là Nàng Han, bước ra từ huyền sử được truyền tụng từ đời này qua đời khác mỗi dịp Tết đến, Xuân về.