Đồng bào Chăm ở Bình Thuận đón Tết Ramưwan

Thanh Hà |

Với ý nghĩa để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, các đấng sinh thành và cầu nguyện cho làng xóm được bình yên, nhà nhà sung túc, mùa màng tươi tốt, Tết Ramưwan của người Chăm gồm nhiều nghi lễ truyền thống nối tiếp nhau.

Ngày 21.3, đồng bào Chăm theo đạo Bà ni ở Bình Thuận tập trung về các động (nghĩa trang của người Chăm) để cùng nhau thực hiện nghi thức tảo mộ, cúng thỉnh tổ tiên, ông bà. Đây là phần quan trọng nhất và mở đầu cho Tết Ramưwan - Tết cổ truyền của đồng bào Chăm Bà ni, theo TTXVN. 

Tại động ở xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người mặc đồ truyền thống với mâm đồ cúng tươm tất trên tay nối tiếp nhau thành hàng dài đi tảo mộ. Sau khi các thầy Char (người chủ lễ trong dòng tộc) làm nghi thức vén cát, tưới nước tẩy uế các phần mộ, từng dòng họ sẽ bày biện đồ cúng và ngồi thành 2 hàng quanh mộ để đọc kinh, cúng tổ tiên...

Điều độc đáo là mộ của người Chăm không xây kiên cố mà chỉ phủ cát bằng ngang mặt đất và được đánh dấu bằng một hòn đá tròn. Những hòn đá này xếp thành những hàng dài rất đều đặn. Với nét độc đáo mang màu sắc văn hóa riêng này, lễ tảo mộ của người Chăm đã thu hút rất nhiều khách tham quan du lịch và các nhà nghiên cứu văn hóa, nhiếp ảnh gia đến tìm hiểu, sáng tác.

Theo sư cả Xích Dự - Chủ tịch Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà ni tỉnh Bình Thuận - lễ tảo mộ cùng các nghi thức cúng đi cùng là phong tục truyền thống được lưu truyền từ nhiều đời xưa. Đó là sự tưởng niệm, biết ơn tổ tiên và dòng tộc cũng như tâm linh của mọi người trong cộng đồng trước khi đón Tết Ramưwan. Đồ cúng trong lễ tảo mộ khá đơn giản gồm trầu cau, thuốc lá, nước uống và bánh kẹo… Vào dịp này, người Chăm Bà ni xa quê đều dành thời gian trở về cúng tổ tiên, quây quần cùng gia đình và người thân.

Lễ tảo mộ cùng các nghi thức cúng đi cùng là phong tục truyền thống của người Chăm được lưu truyền từ nhiều đời xưa. Ảnh: TTXVN
Lễ tảo mộ cùng các nghi thức cúng đi cùng là phong tục truyền thống của người Chăm được lưu truyền từ nhiều đời xưa. Ảnh: TTXVN 

Chị Nguyễn Bích Anh Thư, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình cho biết, khác với phong tục của người Kinh làm ngày giỗ ông bà hàng năm, người Chăm đạo Bà ni không có giỗ hàng năm mà sẽ tập trung tất cả mọi người trong dòng họ để tảo mộ gia tiên cùng một lần. Tất cả mọi người con Chăm Bà ni dù ở xa hay ở gần đều thu xếp công việc để trở về cúng tổ tiên, sum họp gia đình, người thân cùng nhau đón một cái tết trọn vẹn và ý nghĩa.

Tết cổ truyền Ramưwan là sản phẩm văn hóa tinh thần từ truyền thống tín ngưỡng cổ của cư dân người Chăm. Với ý nghĩa để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, các đấng sinh thành và cầu nguyện cho làng xóm được bình yên, nhà nhà sung túc, mùa màng tươi tốt, Tết Ramưwan của người Chăm gồm nhiều nghi lễ truyền thống nối tiếp nhau. Sau lễ tảo mộ, các gia đình, dòng tộc sẽ trở về nhà cúng tổ tiên, vui chơi và sau đó các thầy Char sẽ vào chùa để thực hiện tháng chay niệm Ramadan.

Để thuận lợi cho bà con đón Tết Ramưwan, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể trong tỉnh, các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào được đón tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm. Đồng thời, động viên đồng bào vui Tết không quên nhiệm vụ phát triển sản xuất; ổn định về mọi mặt đời sống, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; góp phần cùng với các dân tộc anh em trong tỉnh thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Bình Thuận hiện có hơn 40 nghìn đồng bào Chăm sinh sống, chủ yếu sinh sống tập trung tại huyện Bắc Bình, Tánh Linh, Tuy Phong… Đồng bào Chăm ở Bình Thuận có truyền thống văn hóa độc đáo trong đời sống, đặc biệt là các lễ hội mang nhiều nét văn hóa, tín ngưỡng sâu sắc như: Katê, Rijanưgar, Súc dâng, Tết Ramưwan…

Thanh Hà
TIN LIÊN QUAN

Cứu nạn cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ là nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy tự hào

HỮU CHÁNH |

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng Công an Việt Nam không chỉ thực hiện công tác cứu nạn cứu hộ mà còn làm tốt công tác dân vận. Với Đại tá Nguyễn Minh Khương, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhưng đầy vinh dự và tự hào.

Gia Lai nỗ lực xóa mù chữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thanh Hà |

Tỉnh Gia Lai đang nỗ lực triển khai các giải pháp xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặt mục tiêu đến năm 2025 có 90% người độ tuổi từ 15 trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông.

Phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số ở Cần Thơ

Thanh Hà |

Cán bộ người dân tộc thiểu số ở Cần Thơ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cứu nạn cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ là nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy tự hào

HỮU CHÁNH |

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng Công an Việt Nam không chỉ thực hiện công tác cứu nạn cứu hộ mà còn làm tốt công tác dân vận. Với Đại tá Nguyễn Minh Khương, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhưng đầy vinh dự và tự hào.

Gia Lai nỗ lực xóa mù chữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thanh Hà |

Tỉnh Gia Lai đang nỗ lực triển khai các giải pháp xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặt mục tiêu đến năm 2025 có 90% người độ tuổi từ 15 trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông.

Phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số ở Cần Thơ

Thanh Hà |

Cán bộ người dân tộc thiểu số ở Cần Thơ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.