Doanh nhân Việt Kiều gìn giữ, phát huy truyền thống, văn hóa Việt

ANH TUẤN |

Là một doanh nhân người Việt đang sinh sống và làm việc tại Đức, ông Lê Tuấn Anh vẫn luôn hướng về quê hương và tìm cách giữ gìn, phát huy những giá trị Việt cho các thế hệ sau.

Trong chương trình Xuân quê hương 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi gặp mặt kiều bào đã bày tỏ mong muốn đồng bào ta ở nước ngoài, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, sẽ luôn giữ vững tinh thần Việt Nam, luôn lạc quan, không nao núng trước khó khăn, thách thức; linh hoạt, sáng tạo trước thời cơ và luôn đoàn kết như lời Bác Hồ dạy: “Lấy đoàn kết để xoay vần vận mệnh”. Sự đoàn kết của cộng đồng người Việt là một sức mạnh thiêng liêng, trở thành điểm tựa để từng người vươn ra thế giới, phát triển bản thân.

Người Việt Nam ở nước ngoài cũng đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của đất nước, nhất là trong giai đoạn chống dịch COVID-19. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ khi gặp mặt kiều bào trong chương trình Xuân quê hương 2022, dù còn gặp nhiều khó khăn ở nước sở tại, nhưng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn sát cánh với đồng bào trong nước, hỗ trợ phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức. Sự đóng góp lớn lao ấy không chỉ thể hiện qua số tiền quyên góp lên đến 80 tỉ đồng, hàng nghìn máy thở, hàng chục nghìn liều vaccine cùng nhiều trang thiết bị y tế khác mà còn là sự đóng góp tri thức, kinh nghiệm thể hiện qua sự sáng tạo, tư vấn cho Chính phủ để vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả.

Trong một lần về Việt Nam thăm gia đình, ông Lê Tuấn Anh, chủ một cơ sở bán đồ Châu Á thuộc top 10% nhà hàng được ưa thích do người dùng bình chọn ở Đức, đã ngồi lại và chia sẻ với Lao Động về cuộc sống của người Việt tại Đức, cũng như các câu chuyện và kinh nghiệm của bản thân trong việc quan tâm, dạy dỗ để truyền lại tình yêu quê hương đất nước cũng như lưu giữ phong tục, bản sắc người Việt cho các thế hệ sau.

PV: Là doanh nhân đang sinh sống và làm việc tại Đức, một trong những đất nước có cộng đồng người Việt đông nhất tại châu Âu, ông có nhìn nhận gì về cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại đây?

- Việt kiều Lê Tuấn Anh: Đức là một trong những đất nước có cộng đồng người Việt sinh sống, làm việc đông đúc, nhưng không phải nơi nào trên nước Đức cũng đông người Việt. Chủ yếu cộng đồng người Việt Nam mình tập trung ở các thành phố lớn như Berlin, Munich, còn các thành phố nhỏ khác thì thường thưa thớt. Từ lúc rời khỏi Việt Nam, tôi không có nhiều thời gian sống ở một thành phố lớn, nơi có các cộng đồng người Việt lớn mạnh. Ở một số nơi, chẳng hạn như thành phố Füssen nơi tôi sống, cơ hội để gặp gỡ, kết nối cộng đồng người Việt thực sự không có nhiều.

Đó là một khó khăn vì khi ở trong cộng đồng nhỏ, người Việt mình sẽ ít được kết nối, giao lưu với nhau hơn. Các thế hệ sau như con, cháu tôi cũng không có nhiều bạn người Việt. Cũng chính vì vậy, tôi luôn làm gương và dạy con cháu mình hướng về quê hương Việt Nam, không để cho những giá trị của người Việt mình mai một.

PV: Nhiều người cho rằng doanh nhân, kiều bào ở nước ngoài “hướng về Việt Nam” là phải gửi tiền hay quà về nước, quan niệm của ông về vấn đề này như nào?

- Việt kiều Lê Tuấn Anh: Đây là một điều mà nhiều người Việt Nam mình vẫn thường hiểu lầm. Có những người đi ra nước ngoài làm việc và gửi tiền về, nhưng không phải ai cũng vậy. Vẫn có nhiều người, nhiều gia đình không dư dả, chỉ có thể lo cho cuộc sống riêng. Thậm chí, có những người còn phải bán đất, bán nhà ở Việt Nam để gửi tiền sang nước ngoài hỗ trợ việc kinh doanh. Nếu nói những ai không gửi tiền về là không hướng về quê hương là không đúng.

Có nhiều hội nhóm từ thiện, các nhà hảo tâm đang chung tay giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong nước, nhưng cũng có những người dù tha thiết muốn giúp quê hương vẫn không đủ điều kiện làm điều đó. Ngoài gửi tiền, còn nhiều cách để mình thể hiện tình cảm, tấm lòng với quê hương đất nước, không chỉ thông qua vật chất, tiền bạc. Ngay việc gìn giữ hình ảnh, tiếng nói của người Việt, không để nó bị lãng quên hay dạy cho con cháu mình các phong tục, tập quán cũng là một cách để mình hướng về quê hương.

Với ông Lê Tuấn Anh, sự quan tâm của gia đình là một nhân tố quan trọng giúp lưu giữ và truyền lại tinh thần dân tộc cũng như tình yêu quê hương tới các thế hệ sau. Ảnh: NVCC
Với ông Lê Tuấn Anh, sự quan tâm của gia đình là một nhân tố quan trọng giúp lưu giữ và truyền lại tinh thần dân tộc cũng như tình yêu quê hương tới các thế hệ sau. Ảnh: NVCC

PV: Với các thế hệ trước, những người phải rời bỏ quê hương để đi lập nghiệp ở một xứ sở xa lạ, việc gìn giữ văn hóa Việt Nam, nhất là tiếng Việt, rất được coi trọng. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp các thế hệ sau nói rất ít, thậm chí là không nói được tiếng Việt. Liệu đây có phải là một tình trạng phổ biến trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài?

- Việt kiều Lê Tuấn Anh: Đúng là có những trường hợp vì mưu sinh mà không thể gần gũi với con cái, từ đó quan tâm, nhắc nhớ về truyền thống của người Việt mình. Có những gia đình cả bố và mẹ đều phải đi làm từ sớm tới đêm. Khi con đủ cứng cáp, họ lại phải gửi con đến nhà “ông Tây, bà Tây” suốt cả ngày, đến khi về thì con đã ngủ. Cứ thế, bố mẹ và con cái ít giao tiếp, chia sẻ.

Cũng có nhiều trường hợp con cái khi còn nhỏ ở với bố mẹ thì nói tiếng Việt rất tốt, nhưng đến khi đi học thì dần dần quên và chủ yếu chỉ sử dụng tiếng nước ngoài. Thậm chí, có những đứa trẻ khi gặp một từ tiếng Việt không hiểu thì lại nhờ bố mẹ dịch từ tiếng nước ngoài sang. Đó là những trường hợp đáng buồn, nhưng rất khó tránh. Khi trẻ tới trường, chúng phải sử dụng tiếng nước ngoài để giao tiếp với thầy cô, bạn bè. Khi đi học, thời gian chúng dành cho cha mẹ cũng không còn nhiều như trước, dẫn đến việc không còn được giao tiếp nhiều bằng tiếng Việt nữa. 

Tuy nhiên, đó chỉ là một số ít. Hầu hết các gia đình Việt Nam ở Đức đều cố gắng giữ gìn và dạy dỗ con cháu về truyền thống, văn hóa của dân tộc mình. Những dịp lễ Tết quan trọng như Tết Nguyên đán hay Tết Trung thu, có rất nhiều lễ hội được tổ chức để cộng đồng gặp mặt, kết nối. Ở những nơi người mình thưa thớt hơn, các gia đình vẫn cố tổ chức tiệc, họp gia đình hay gặp mặt họ hàng, bạn bè mỗi khi có dịp. Đây cũng là cách để cho các thế hệ sau gắn kết hơn và nói tiếng Việt nhiều hơn.

Theo ông nói thì vai trò của các gia đình là rất lớn trong việc gìn giữ và lưu truyền văn hóa Việt Nam cũng như tiếng nói dân tộc cho các thế hệ sau. Vậy, ông có kinh nghiệm bản thân nào trong việc giúp con cháu mình yêu thích và gìn giữ văn hóa quê hương nào muốn chia sẻ cùng độc giả Lao Động không?

Việt kiều Lê Tuấn Anh: Trong gia đình tôi, có thể các cháu vẫn sử dụng tiếng Đức để nói chuyện với nhau khi ở một mình, nhưng khi có mặt bố mẹ hay người lớn, chúng sẽ trao đổi bằng tiếng Việt. Mỗi dịp có lễ Tết, các cháu cũng tham gia vào chuẩn bị, vừa là phụ giúp bố mẹ vừa hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. 

Tôi cũng hay đưa các cháu về Việt Nam và chúng rất thích. Hiện tại, mỗi khi có dịp về Việt Nam, tôi vẫn đưa cháu nhỏ theo cùng. Các con lớn của tôi cũng rất mong muốn được về Việt Nam cùng bố nhưng chúng còn phải lo công việc và cuộc sống riêng. Kể cả khi con gái tôi lấy chồng, chàng “rể Tây” của tôi cũng rất thích thú mỗi khi có dịp đến Việt Nam chơi.

Cũng may là nhờ tính chất công việc, tôi và gia đình có nhiều dịp để về thăm quê hơn. Còn các gia đình khác tại Đức, họ vẫn cố gắng đưa con cái của họ về nước vào các dịp nghỉ như nghỉ hè hay nghỉ đông. Việc này giúp các cháu có thể hòa mình vào xã hội Việt Nam, không còn quá xa lạ với quê hương nữa. Thực ra mình cũng không cần quá cứng nhắc và thúc ép bắt buộc con cái học cái này cái kia, chỉ cần mình hướng về Việt Nam thì con cháu cũng tự noi theo.

Xin cảm ơn ông!

ANH TUẤN
TIN LIÊN QUAN

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình mẫu tiêu biểu cho tinh hoa dân tộc Việt Nam

Thanh Hà |

Di sản của Bác Hồ chính là nguồn cảm hứng cho những giá trị phổ quát tốt đẹp của nhân loại, nhà sử học Alain Russio - tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận định. 

Lễ Mừng cơm mới của dân tộc Xinh Mun được công nhận là di sản quốc gia

THANH BÌNH |

Lễ Mừng cơm mới của dân tộc Xinh Mun ở xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Mỗi tác phẩm xuất bản phải lấy việc phụng sự dân tộc làm mục đích cao nhất

HƯƠNG MAI |

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng để có sách hay, sách đẹp, thiết thực, đòi hỏi đội ngũ những người làm xuất bản phải nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, tiếp thu tinh hoa dân tộc và nhân loại, bám sát hơi thở cuộc sống. Mỗi tác phẩm khi xuất bản, phải lấy việc phụng sự quốc gia, dân tộc làm mục đích cao nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình mẫu tiêu biểu cho tinh hoa dân tộc Việt Nam

Thanh Hà |

Di sản của Bác Hồ chính là nguồn cảm hứng cho những giá trị phổ quát tốt đẹp của nhân loại, nhà sử học Alain Russio - tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận định. 

Lễ Mừng cơm mới của dân tộc Xinh Mun được công nhận là di sản quốc gia

THANH BÌNH |

Lễ Mừng cơm mới của dân tộc Xinh Mun ở xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Mỗi tác phẩm xuất bản phải lấy việc phụng sự dân tộc làm mục đích cao nhất

HƯƠNG MAI |

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng để có sách hay, sách đẹp, thiết thực, đòi hỏi đội ngũ những người làm xuất bản phải nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, tiếp thu tinh hoa dân tộc và nhân loại, bám sát hơi thở cuộc sống. Mỗi tác phẩm khi xuất bản, phải lấy việc phụng sự quốc gia, dân tộc làm mục đích cao nhất.