Bà Phạm Thị Thắng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Bình - cho biết: “Hiểu tầm quan trọng của bữa ăn ca đối với sức khỏe, đời sống của công nhân, chúng tôi luôn tích cực tuyên truyền, nắm bắt chặt chẽ phía các công đoàn cơ sở, người lao động để thực hiện việc doanh nghiệp đảm bảo chất lượng bữa ăn cho công nhân lao động. Nhìn chung mức ăn ca của công nhân trong các khu công nghiệp ở Thái Bình hiện nay dao động từ 15.000 đồng đến 23.000 đồng/suất, các doanh nghiệp cơ bản thực hiện nghiêm túc”.
Thực trạng bữa ăn ca trong các doanh nghiệp ở Thái Bình hiện nay chia làm hai hướng. Với những công ty, doanh nghiệp có số lượng công nhân đông, đa số đều có bếp ăn, nhà ăn tập thể, tập trung.
Một số ít doanh nghiệp còn lại và các doanh nghiệp có ít công nhân lao động hơn thì chi trả tiền ăn ca để công nhân, lao động tự đi ăn trưa bên ngoài. Tiền ăn ca có thể được chi trả gộp 1 tháng/1 lần hoặc chi theo ngày làm việc.
“Dù theo cách nào thì giá trị bữa ăn ca của mỗi công nhân lao động đều không được thấp hơn mức quy định tối thiểu. LĐLĐ tỉnh và LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành luôn giám sát chặt chẽ công tác chăm lo, đảm bảo phúc lợi cho đoàn viên công nhân, đặc biệt là chất lượng bữa ăn ca.
Nếu thấy doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định, chất lượng bữa ăn không đảm bảo thì cán bộ công đoàn cơ sở, kể cả đoàn viên công nhân đều có thể liên hệ trực tiếp báo về công đoàn cấp trên để kịp thời xác minh, chấn chỉnh” - bà Phạm Thị Thắng cho biết thêm.
Theo bà Đặng Thị Kim Cúc - Chủ tịch LĐLĐ huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) - bữa ăn giữa ca tại doanh nghiệp có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người lao động cũng như năng suất lao động. Vì vậy, để nâng cao sức khỏe người lao động, các doanh nghiệp trong huyện luôn quan tâm và coi trọng đến chất lượng các bữa ăn ca.
“Hằng năm, LĐLĐ huyện cùng các ngành chức năng tổ chức kiểm tra công tác an toàn thực phẩm trong các doanh nghiệp, qua đó kịp thời chấn chỉnh những doanh nghiệp chưa thực hiện theo quy định. Đối với những doanh nghiệp có mức ăn hỗ trợ cho người lao động dưới 15.000 đồng/bữa, chúng tôi yêu cầu chủ sử dụng lao động cần nghiêm chỉnh chấp hành ngay để bảo đảm sức khỏe cho người lao động” - bà Cúc nói.
Đại diện Công ty CP Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ (tỉnh Thái Bình), cho biết: “Riêng đối với bữa ăn ca của công nhân lao động luôn được chúng tôi quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Theo đó, chúng tôi ký hợp đồng với nhà cung cấp suất ăn lớn, uy tín trong đó có quy định rõ về giá, về thực phẩm, thực đơn theo tuần, theo tháng. Nhờ vậy chất lượng bữa ăn của công nhân luôn duy trì ở mức 18.000 đồng/suất, tính cả tiền chế biến, phục vụ khoảng 22.000 đồng/suất. Đặc biệt, chúng tôi còn chủ động ký kết với một số trang trại trồng rau, nuôi lợn gà quy mô lớn trong tỉnh để bảo đảm nguồn cung thực phẩm luôn ổn định, sạch”.
Chị Tô Thanh Thủy (38 tuổi, công nhân Công ty TNHH TAV thuộc Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, TP.Thái Bình), cho hay: “Ở công ty tôi từ lâu áp dụng hình thức mua bán cơm trưa giữa các nhà cung cấp và công nhân lao động. Theo đó có từ 2-3 cơ sở cùng được đăng ký nấu cơm, bán ở khu vực căng-tin.
Ngoài cổng căng-tin, các cơ sở này mỗi ngày sẽ để thực đơn mẫu của mình hôm đó để công nhân lựa chọn, quyết định. Thực đơn, chất lượng món ăn của bên nào phù hợp thì công nhân sẽ lựa chọn mua của bên đó. Do vậy tính cạnh tranh được nâng cao hơn, công nhân có thêm nhiều lựa chọn, chất lượng cơ bản vẫn ổn định”.