Quan tâm, chăm lo cho học sinh dân tộc thiểu số
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông, trong năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 185.484 học sinh các cấp. Trong đó, có trên 60.655 học sinh dân tộc thiểu số.
Đơn cử như Trường Tiểu học Vừ A Dính, xã Đắk Ngo, ở huyện Tuy Đức, bên cạnh các chính sách đặc thù của tỉnh thì đã có thêm nhiều hình thức kêu gọi, hỗ trợ, tổ chức các bữa ăn trưa tại trường cho học sinh để nâng cao chất lượng dạy học cả ngày.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông triển khai các giải pháp bảo đảm dạy Tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số; tăng cường chuẩn bị Tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ thực hiện Chương trình giáo dục mầm non ở vùng khó khăn.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cũng duy trì dạy tiếng Ê Đê cho học sinh ở cấp tiểu học với tổng 532 học sinh/20 lớp.
Trên toàn tỉnh, hiện nay, trẻ mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên tại các cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông là người dân tộc thiểu số thuộc hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ trong suốt 9 tháng học, với mức 150.000 đồng/tháng.
Chất lượng giáo dục được nâng cao
Qua thực tế cho thấy, nhờ thực hiện tốt nhiều mô hình, giải pháp đặc thù nên chất lượng giáo dục toàn diện vùng dân tộc thiểu số ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã không ngừng được nâng cao.
Trong đó, một điều dễ nhận thấy nhất là tỉ lệ huy động học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi đến lớp tăng, số học sinh bỏ học giảm...
Đặc biết, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, có 7/8 trường dân tộc nội trú có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%. Kết quả học tập của học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú từ trung bình trở lên, ngang bằng với tỉ lệ chung của học sinh toàn tỉnh.
Theo ông Trần Sĩ Thành - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông, bên cạnh những kết quả đạt được, việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỉ lệ đi học chuyên cần ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều học sinh người Mông di cư theo gia đình từ phía Bắc vào nhưng chưa đủ điều kiện hồ sơ, giấy tờ về pháp lý để xét vào diện bán trú, gây thiệt thòi cho đối tượng học sinh này.
"Thời gian tới, ngành Giáo dục Đắk Nông sẽ chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp hơn để từng bước rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa vùng thuận lợi và vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số" - ông Trần Sĩ Thành cho hay.