Đoàn kết, chung sức chiến thắng đại dịch COVID-19
Việc phát huy tinh thần đoàn kết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến người lao động đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Và để đóng góp vào việc phát động các phong trào thi đua đó có vai trò không nhỏ của nhân dân, người lao động cả nước.
Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Ánh Hồng - Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, tinh thần đoàn kết là một trong những di sản văn hoá của dân tộc Việt Nam. Tinh thần đoàn kết không chỉ là một giá trị, mà nó đã kết tinh và trở thành di sản to lớn, vô cùng quan trọng. Mỗi khi đất nước lâm nguy thì chính lòng yêu nước đó đã kết nối toàn thể dân tộc Việt Nam, đồng lòng nhất trí và đoàn kết để đẩy lùi mọi khó khăn, chống thiên tai, địch hoạ.
Ngày nay, khi Việt Nam đang căng mình đẩy lùi dịch COVID-19, tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam, các tầng lớp người lao động được thể hiện rất sâu sắc. Theo bà Hồng, vaccine tốt nhất, có hiệu quả lớn nhất cho Việt Nam cho Việt Nam để đẩy lùi dịch bệnh lúc này là tinh thần đoàn kết.
Những biểu hiện rất rõ của điều này trong thời gian qua đó là việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho người lao động yên tâm ở lại. Thậm chí nhiều người còn tình nguyện xông pha vào những nơi được xem là tâm dịch để phục vụ công tác phòng chống dịch... Đây được xem là những hành động vô giá của tinh thần đoàn kết trong công tác phòng chống dịch bệnh của người Việt Nam.
Nói về vai trò của tổ chức công đoàn, bà Hồng cho rằng thời gian qua các cấp công đoàn đã cùng toàn thể xã hội tham gia rất mạnh mẽ, bằng những việc làm thiết thực vào khối đại đoàn kết dân tộc. Thông qua tổ chức công đoàn, qua lao động sản xuất đã lan tỏa những tấm gương người tốt việc tốt, cách làm hay trong xã hội, phê phán những biểu hiện xấu, động cơ xấu phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Cũng theo bà Hồng, một trong những động lực quan trọng, đem lại hiệu quả thiết thực, giúp người lao động hăng say làm việc, sản xuất chính là việc đẩy mạnh, phát động các phong trào thi đua sôi nổi với nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng để khơi dậy sức sáng tạo của cán bộ công nhân viên, tạo khí thế lao động sản xuất sôi nổi trên các công trường, phân xưởng. Lúc khó khăn, mỗi người cần đoàn kết, thống nhất hơn nữa để chiến thắng dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc.
Một trong những hoạt động được người dân tích cực hưởng ứng thời gian qua là đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng. Sự vào cuộc của người dân đã thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của cả nước. Chính những hành động, việc làm này càng tạo niềm tin để người dân tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Mỗi đoàn viên công đoàn là một chiến sĩ chống dịch
Ông Nguyễn Phú Cường - Hiệu trưởng THCS Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) bày tỏ, dân tộc ta dù ở giai đoạn nào cũng thể hiện được tinh thần đại đoàn kết. Càng khó khăn, tinh thần ấy càng dày thêm, càng đặc sắc hơn. Trong chiến tranh, thiên tai và giờ là dịch COVID-19, nghĩa đồng bào ruột thịt vẫn vẹn nguyên.
Với tinh thần đó, mỗi công nhân, người lao động cần đoàn kết, cùng chung sức, đồng lòng tự giác, tích cực, nêu cao tinh thần, trách nhiệm. Cần thể hiện ý chí quyết tâm, năng động, sáng tạo, phát huy tính tiên phong của giai cấp công nhân, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi đoàn viên công đoàn là một chiến sĩ. Mỗi công đoàn cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là một pháo đài chống dịch” quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.
Ngoài ra, hơn bao giờ hết, mỗi người trong chúng ta cùng nhau lan tỏa hơn nữa tinh thần “lá lành đùm lá rách” trong giai đoạn khó khăn này. Người có công góp công, người có của góp của, người chưa có điều kiện thì cố gắng thực hiện tốt các quy định để phòng, chống dịch.