Thủ tướng: Ưu tiên cho các đối tượng tuyến đầu chống dịch và công nhân các khu công nghiệp
Trước tình hình nhiều khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang đang đối mặt với nguy cơ dịch COVID-19 lan nhanh, đặc biệt thông tin 300 công nhân mắc COVID-19 ở Bắc Giang chiều qua thì vấn đề bảo vệ người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đặt ra rất cấp bách.
“Phải kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh ở các khu công nghiệp”- Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra yêu cầu tại cuộc họp hôm 24.5.
Thủ tướng đánh giá, phải tiếp tục rà soát lại các quy định, quy trình, quy chế về khai báo y tế, phòng, chống dịch, cách ly và tổ chức sản xuất trong khu công nghiệp. Bộ Công Thương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các bộ liên quan, các địa phương nhanh chóng xây dựng, vừa làm vừa hoàn thiện dần các quy định để có chiến lược hoàn chỉnh về phòng, chống dịch trong khu công nghiệp, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh.
Trong nhóm các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong tình hình mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vào chiến lược vaccine. Theo đó “triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả chiến lược vaccine. Chính phủ tập trung chỉ đạo, các bộ, cơ quan, ban, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện bằng được chiến lược vaccine. “Quyết liệt hơn nữa, thần tốc hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong công tác này” - Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng lưu ý, trong nghiên cứu, sản xuất vaccine, các nhà khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam phải vào cuộc; Bộ Tài chính thiết kế cơ chế, chính sách để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất vaccine. Có kế hoạch tiêm vaccine phù hợp, ưu tiên cho các đối tượng tuyến đầu chống dịch và công nhân các khu công nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan ngay lập tức đề xuất cơ chế đóng góp và sử dụng Quỹ vaccine bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, huy động mọi nguồn lực và đóng góp của toàn dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên để bảo đảm ngân sách tối đa cho việc mua vaccine, vừa bảo đảm các hoạt động bình thường, vừa phục vụ các nhiệm vụ đặc biệt, đột xuất.
Công nhân mong vaccine
Mặc dù ở khu vực đang có nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2, nhiều công nhân ở các khu công nghiệp tại Bắc Giang vẫn không tỏ ra quá lo lắng. Bởi lúc này, bên cạnh họ còn có Chính phủ, các bộ, ngành, các doanh nghiệp và đặc biệt là tổ chức công đoàn cùng chung tay tháo gỡ những khó khăn trước mắt để đẩy lùi dịch bệnh và tiếp tục sản xuất “không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh” như yêu cầu của Thủ tướng.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch LĐLĐ huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - cho biết: “Đọc những thông tin về chiến lược vaccine của Thủ tướng, người lao động rất vui mừng và tin tưởng sắp tới sẽ được tiếp cận vaccine. Có được tiêm vaccine thì sẽ đảm bảo được ổn định của lực lượng lao động. Đặc biệt, khi Thủ tướng nhấn mạnh sẽ có kế hoạch ưu tiên vaccine cho các đối tượng tuyến đầu chống dịch và công nhân các khu công nghiệp thì chúng tôi rất yên tâm”.
Còn ông Bùi Văn Trường - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Luxshare ICT Vân Trung - Việt Nam (có khoảng 24.000 người lao động) - hiện đang trong khu vực bị phong toả, ngăn chặn dịch COVID-19 cho rằng: “Tất cả anh em chúng tôi đều mong mỏi, khát khao được tiêm vaccine. Được biết, Đảng, Nhà nước đang đẩy nhanh chiến lược vaccine là chúng tôi rất mừng. Người lao động, đặc biệt là lao động nghèo tin tưởng sẽ sớm được tiêm”.
Công nhân Nguyễn Thị Mai - một trong những công nhân tại khu vực bị phong toả đã chia sẻ qua điện thoại với phóng viên Lao Động: “Tôi đọc báo thấy Báo Lao Động đang triển khai chương trình "Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo", tôi rất vui và tin tưởng chương trình sẽ nhận được sự đóng góp của xã hội để vaccine nhanh chóng đến với công nhân khu công nghiệp. Chương trình vô cùng ý nghĩa, là lá chắn chống COVID-19 hiệu quả bên cạnh các chương trình hỗ trợ về khẩu trang, nhu yếu phẩm… cho người lao động nghèo. Vaccine trở thành món quà mang ý nghĩa thiêng liêng trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Chúng tôi rất mong các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp cùng chung tay giúp đỡ những người lao động bằng cách ủng hộ Chương trình”.
Chung tay với “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo”
Hưởng ứng yêu cầu về chiến lược vaccine của Thủ tướng Chính phủ với chủ trương huy động mọi nguồn lực và đóng góp của toàn dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, Báo Lao Động triển khai chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo”.
Có đủ nguồn vaccine tiêm chủng cho người dân là điều rất quan trọng để chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước.
“Để đảm bảo 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục nỗ lực tối đa tìm kiếm, tiếp cận để có đủ vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Quỹ Vaccine phòng COVID-19 vừa được Bộ Tài chính đề xuất thành lập. Với mục tiêu có đủ 150 triệu liều vaccine tiêm cho 75 triệu dân để đạt miễn dịch cộng đồng thì cần khoản ngân sách khoảng 25.200 tỉ đồng. Trong đó: 21.000 tỉ đồng để mua vaccine và 4.200 tỉ đồng để vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng.
Trong bối cảnh còn rất nhiều nhiệm vụ chi cấp bách, Ngân sách Trung ương bố trí được 16.000 tỉ đồng, số tiền 9.200 tỉ đồng còn lại cần huy động đóng góp từ doanh nghiệp, từ xã hội hoá.
Với mong muốn toàn bộ người dân Việt Nam, đặc biệt là những người lao động nghèo được tiêm vaccine phòng COVID-19, quỹ Tấm lòng Vàng của Báo Lao Động chính thức phát động Chương trình “Triệu liều Vaccine cho người lao động nghèo” từ ngày 23.5.
Chương trình rất mong nhận được sự ủng hộ của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức để người lao động nghèo nhanh chóng được tiêm vaccine. Sự hỗ trợ ấy cũng chính là bảo vệ lực lượng lao động, đảm bảo sản xuất và chuỗi cung ứng hàng hoá thúc đẩy quá trình chiến thắng dịch bệnh, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.