Đảm bảo lương thực cho 720.000 dân vùng đỏ
Theo ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương - tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh ghi nhận 73.425 ca mắc COVID-19, 31.085 người đã được xuất viện trở về nhà. Ngày 22.8, 7 phường của thị xã Tân Uyên và 4 phường của thành phố Thuận An thực hiện biện pháp “khóa chặt, đông cứng”. Ai ở đâu ở yên đó, cách ly tuyệt đối “người cách ly người, nhà cách ly nhà”. Chỉ có lực lượng làm nhiệm vụ mới ra đường và tiếp cận với người dân.
UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu trong 15 ngày này các chợ truyền thống, siêu thị tạm dừng hoạt động. Người dân phải ở yên tại chỗ để ngành y tế tranh thủ xét nghiệm sàng lọc bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Để người dân an tâm phòng dịch, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, cung cấp đầy đủ lương thực thực phẩm cho toàn bộ người dân ở phường “khóa chặt, đông cứng”, không để ai bị bỏ đói.
Qua số liệu tổng hợp, dân số của 11 phường trên lên đến gần 720.000 người. Trong đó phường đông dân nhất là Bình Hòa 106.000 dân và Thuận Giao có 102.000 dân. Theo tính toán, nhu cầu thực phẩm cơ bản một người mỗi ngày khoảng 50.000 đồng thì tổng giá trị thực phẩm thiết yếu cho toàn bộ người dân trong 15 ngày sẽ là 539,2 tỉ đồng.
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết, kinh phí này do nhân sách Nhà nước hỗ trợ 100%. Theo ghi nhận, 2 ngày nay các lực lượng đang khẩn trương phân phát 5.753 tấn gạo từ nguồn cấp của Thủ tướng Chính phủ cho người dân 11 phường. Bên cạnh đó, Sở Công Thương Bình Dương phối hợp với doanh nghiệp cung cấp thực phẩm và nước uống đến tay người dân.
Công đoàn rà soát hỗ trợ người khó khăn
Trong khi chính quyền tập trung chuẩn bị lương thực thực phẩm cho người dân ở 11 phường “khóa chặt, đông cứng”, tổ chức Công đoàn ở Bình Dương chủ động rà soát những lao động khó khăn ở “vùng đỏ”, “vùng vàng” khác để hỗ trợ.
LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, do suốt 2 tháng không đi làm, không có thu nhập ổn định, hầu hết người lao động đã hết tiền và thực phẩm dự trữ. Rất nhiều người lao động khó khăn đã liên hệ qua điện thoại nhờ công đoàn hỗ trợ. Bên cạnh đó, cán bộ công đoàn chủ động rà soát zalo, facebook để nắm thông tin về người lao động hết lương thực cần giúp đỡ. Sau khi xác minh nhanh, lập danh sách, LĐLĐ tỉnh Bình Dương lập tức chuẩn bị gạo, rau củ quả xếp lên xe và đưa đến tận nơi hỗ trợ người lao động. Đã có hàng nghìn người tiếp cận được thực phẩm từ tổ chức công đoàn ở Bình Dương theo hình thức này.
Ông Lưu Thế Thuận - Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh Bình Dương - cho biết, trong ngày 24.8, đơn vị tiếp nhận 1,25 tấn gạo, 5 tấn táo, 1 tấn cá khô, 1 tấn rau củ. Số lương thực thực phẩm này được chia thành 223 phần và chuyển xuống phường Bình Chuẩn, Thành phố Thuận An trao tận tay người lao động khó khăn.
Theo ông Thuận, trong đợt dịch thứ 4 này, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã trực tiếp tiếp nhận khoảng 350,7 tấn hàng hóa, thiết bị, gạo, mỳ, rau củ quả, nhu yếu phẩm các loại. Sau đó liên tục cấp phát, hỗ trợ đến các địa bàn trên toàn tỉnh, đối tượng chủ yếu là công nhân lao động khó khăn. “Để lương thực thực phẩm đến tay người lao động khó khăn kịp thời, cán bộ công đoàn làm việc cả thứ 7, chủ nhật và không kể ngày đêm”- ông Thuận cho biết.
Ngân sách công đoàn chi 78,4 tỉ hỗ trợ NLĐ
LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến ngày 23.8, có 10.420 CNLĐ mắc COVID-19, 20.500 CNLĐ là F1, 21.200 CNLĐ là F2. Đây là những lao động trực tiếp bị dịch bệnh tác động, gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐVN, LĐLĐ Bình Dương đã chi hỗ trợ CNLĐ là F0 được hỗ trợ 3 triệu đồng/người, F1 được hỗ trợ 1 triệu đồng/người và F2 được hỗ trợ 500.000 đồng/người. Tổng ngân sách công đoàn chi hỗ trợ là 78,4 tỉ đồng. Ngoài ra LĐLĐ vận động được thêm 2,45 tỉ đồng từ doanh nghiệp để chăm lo cho NLĐ khó khăn.