Dàn nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung, Bảy Núi nói riêng, có tên gọi khác là Pinn Peat. Ngũ âm là cách gọi tên dựa vào nguyên tắc nguồn âm do chất liệu tạo nên các nhạc cụ, phát ra nhạc khí, như: sắt, đồng, gỗ, hơi và da.
Dàn nhạc ngũ âm luôn giữ đúng thành phần âm, vì thế có thể có đến 7-9 nhạc cụ cùng biểu diễn, nhưng vẫn đảm bảo phát ra 5 nguồn âm chính. Mặt khác, có sự khác biệt nhẹ so với cách chơi so với nhạc cụ của nhiều dân tộc khác, hầu hết nhạc cụ trong dàn ngũ âm của đồng bào Khmer, cụ thể là ở vùng Bảy Núi, đều được sử dụng bằng cách gõ dùi.
Theo truyền thống, dàn nhạc ngũ âm chỉ được phục vụ cho các hoạt động mang tính “thiêng”, như lễ lớn ở các ngôi chùa, nơi sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng sùng đạo Phật Nam tông.
Trải qua thời gian, những qui định xưa dần thông thoáng và dàn nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer Bảy Núi vượt khỏi không gian tôn nghiêm của nhà chùa, có mặt trong cá sự kiện, ngày vui của cộng đồng.
Theo nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc, cuộc “cách mạng” này không chỉ đưa dàn nhạc ngũ âm đến gần với công chúng để mọi người được thưởng thức, tìm hiểu, mà thông qua phong cách biểu diễn, sự độc đáo của thanh âm… còn khiến nhiều người thuộc các dân tộc anh em như Kinh, Hoa, Chăm… yêu thích và góp phần tôn vinh.
Sự lan tỏa này đã tạo nên sức sống mới, tràn đầy sắc Xuân cho dàn nhạc cổ truyền của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi trong nhịp sống mới.