Xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ tại Ninh Bình

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Đảng bộ tỉnh đã đề ra quyết tâm xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035. Có thể nói, đây là mục tiêu phù hợp với tiềm năng của vùng đất Cố đô Hoa Lư và xu thế phát triển chung trên toàn thế giới.

Xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ

Trong suốt hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, vùng đất Ninh Bình luôn là địa bàn chiến lược, ghi dấu những mốc lịch sử hào hùng về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Hiện nay, dấu tích của Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) là 1 trong 4 vùng lõi thuộc quần thể danh thắng Tràng An với hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014.

Đây cũng là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất tại khu vực Đông Nam Á. Đồng thời đã được Tổng Giám đốc UNESCO đánh giá là một trong những mô hình mẫu mực, điển hình thế giới về kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và doanh nghiệp.

Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã đề ra quyết tâm xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035. Ảnh: Trường Huy
Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã đề ra quyết tâm xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035. Ảnh: Trường Huy

Ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, ngày 23.8.2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2030, trong đó mục tiêu đến năm 2025 sẽ thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đồng thời sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gắn với định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là "Đô thị Cố đô - di sản", dựa trên các giá trị độc đáo về địa tự nhiên - sinh thái, văn hóa - lịch sử, sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Đồng thời, hoàn thiện các tiêu chí công nhận đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là đô thị loại I trực thuộc tỉnh và mục tiêu hướng tới xây dựng tỉnh Ninh Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

"Quyết tâm xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ tiêu biểu và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 là mục tiêu phù hợp với tiềm năng của mảnh đất Ninh Bình và xu thế phát triển chung trên toàn thế giới" - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc khẳng định.

Cần cơ chế chính sách đặc thù

Mới đây, tại hội nghị khoa học bàn về "Đô thị di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách cho tỉnh Ninh Bình" diễn ra tại Ninh Bình, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có chiều sâu nhằm cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn, đặc biệt là gợi mở cho Ninh Bình hàm ý về xây dựng tiêu chuẩn, cơ chế, chính sách đủ mạnh trong xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ nhằm phát huy giá trị Di sản thành tài sản, sản phẩm công nghiệp văn hóa trong xã hội đương đại.

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, nội hàm của Đô thị di sản thiên niên kỷ được biểu hiện ở hạ tầng du lịch xanh và công nghiệp di sản - văn hóa mà ở đó sẽ tích tụ và hấp dẫn “dân số chất lượng cao” đến định cư trong tương lai.

Hình thành kinh tế trí thức và kinh tế sáng tạo - nghệ thuật. Hình thành công nghệ thực tại ảo cho diễn giải di sản phục vụ du lịch và văn hóa thiên niên kỷ.

Các ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng: Với mục tiêu, định hướng và khát vọng phát triển trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cần một tầm nhìn mới, vị thế mới, một hình ảnh mới cho giai đoạn chuyển mình để giải phóng, phát huy được hết các giá trị bản sắc địa phương, trở thành nguồn lực, nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội và tận dụng được những yếu tố mang tính thời cơ của bối cảnh mới mang lại.

Cần cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ. Ảnh: Trường Huy
Cần cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ. Ảnh: Trường Huy

Chính vì thế cần có cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, vượt trội để đảm đương được sứ mệnh to lớn trong gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, di sản nhân loại. Đồng thời tạo động lực để tỉnh có thêm cơ hội phát huy nội lực và huy động nguồn lực phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là đô thị đặc thù về giá trị di sản.

Liên quan đến một số vấn đề đặt ra về thể chế chính sách vĩ mô, ông Đoàn Minh Huấn - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đề xuất Bộ Xây dựng đổi mới về cách phân loại, định hình đô thị. Sau khi hình thành đô thị di sản, Ninh Bình mong muốn được hội nhập với mạng lưới đô thị di sản trong và ngoài nước, thúc đẩy kiến tạo các cơ chế đặc thù. Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung xây dựng khung phân tích về đô thị di sản và kế hoạch hành động.

Vào ngày 23.8.2023 vừa qua, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 16- NQ/TU về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023- 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Ninh Bình sẽ hoàn thành hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư với định hướng là "Đô thị Cố đô - Di sản", dựa trên nền tảng giá trị văn hóa - lịch sử của cố đô Hoa Lư và các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Tràng An. Đồng thời, hoàn thiện các tiêu chí công nhận đơn vị hành chính mới sau sáp nhập là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, có vị thế trung tâm du lịch vùng và quốc gia, mang giá trị toàn cầu, là trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa, kinh tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, đầu mối hợp tác quốc tế của tỉnh Ninh Bình.

NGUYỄN TRƯỜNG