Về nơi phụ nữ lấy chồng thì nhổ tóc

An Nhiên |

Phụ nữ dân tộc Dao đỏ ở Lai Châu coi việc nhổ tóc là một cách làm đẹp và cũng để khẳng định đã yên bề gia thất.

Là một trong những xã miền núi xa nhất của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, Sì Lờ Lầu luôn là vùng đất đầy bí ẩn đối với những ai lần đầu bước chân đến.

Đường đến Sì Lờ Lầu hai bên là vực sâu, nếu tính từ TP. Lai Châu sẽ phải qua cả thảy 12 con dốc tương đương với 12 tầng núi.

Những ngày cuối năm, khi đàn ông bổ củi làm thịt lợn chuẩn bị đón Tết cổ truyền thì những người phụ nữ dân tộc Dao đỏ lại tụ tập quanh bếp lửa nhổ tóc cho nhau.

Bà Lý Tả Mẩy (bản Lao Chải, xã Sì Lờ Lầu) cười nói với chúng tôi: Tục lệ nhổ tóc ở đây đã có từ nhiều đời trước, thế hệ chúng tôi sinh ra đã được mẹ căn dặn khi trưởng thành, lấy chồng thì phải nhổ tóc. Đau cũng phải nhổ và thường thì một tháng nhổ 1 lần. Ngày giáp Tết thì ai cũng phải nhổ cho đẹp giống như được mặc quần áo mới vậy.

“Các cụ cao niên kể rằng, phụ nữ Dao đỏ phải nhổ tóc để tránh việc bếp núc sẽ làm vương vãi tóc. Theo truyền miệng từ ngày xưa, ở một gia đình lúc ăn cơm bố chồng thấy một sợi tóc dài của phụ nữ rơi trong cơm nên đã mắng con dâu và đòi đuổi ra khỏi nhà. Từ đó, phụ nữ Dao đỏ bất cứ ai lấy chồng đều phải nhổ tóc và chỉ để lại chỏm tóc trên đỉnh đầu”, bà Mẩy lý giải.

Phụ nữ Dao đỏ sau khi lấy chồng đều phải nhổ tóc, sau đó dùng sáp ong vuốt chỏm tóc trên đỉnh đầu thành chóp rồi cắm cờ đỏ, úp khăn đỏ. Ảnh: An Nhiên
Phụ nữ Dao đỏ sau khi lấy chồng đều phải nhổ tóc, sau đó dùng sáp ong vuốt chỏm tóc trên đỉnh đầu thành chóp. Ảnh: An Nhiên

Bà Tẩn U Mẩy (bản Gia Khâu, xã Sì Lờ Lầu) thì kể rằng, nếu như phụ nữ Dao đỏ ở các địa phương khác có tục sơn đầu để thể hiện một cô gái đến tuổi trưởng thành thì với người phụ nữ Dao đỏ ở Phong Thổ tục nhổ tóc trọc đầu thể hiện đã yên bề gia thất.

Như một tục lệ nên sau khi lấy chồng, phụ nữ nào cũng phải nhổ tóc rồi sau đó dùng sáp ong vuốt tóc trên đỉnh đầu làm hình chóp rồi cắm cờ đỏ, úp khăn đỏ. Như vậy để phân biệt người Dao đỏ với người dân tộc khác.

Theo quan sát của PV, cách nhổ của phụ nữ nơi đây cũng khá đặc biệt. Họ dùng hai sợi chỉ xoắn đi xoắn lại vào đợi tóc sau đó giật đứt chân tóc. Họ phải dùng tay nhổ tóc chứ không cạo vì cạo tóc sẽ rất xấu. Sau đó họ sẽ nấu sáp ong và bôi lên đỉnh đầu làm chóp tóc.

Để thực hiện công việc này, những người phụ nữ Dao đỏ phải chuẩn bị bộ đồ nghề bao gồm sáp ong đã được nấu sôi, sợi chỉ chuyên dùng để nhổ tóc, chiếc lông nhím khô cứng cùng bộ khung và khăn đỏ, cờ đỏ để cắm lên đầu.

Tiếp theo họ lấy cục sáp ong cho vào bát mang nướng trên ngọn lửa để sáp nóng chảy, rồi dùng lược nhúng vào bát sáp mật ong nóng chảy, vừa chải vừa phết vào tóc thành từng lọn nhỏ từ đỉnh đầu trở xuống. Phần tóc này dính sáp bết vào nhau và cứng lại, rồi được vấn tròn vào đầu cũng từ trên xuống dưới, đều đặn, ngay ngắn. Để hoàn thành công việc sơn đầu, phải mất vài tiếng, càng sơn lâu, càng óng đẹp.

Cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao đỏ ở Sì Lờ Lầu đã đổi thay nhiều, nhưng nhiều phong tục vẫn được gìn giữ. Ảnh: An Nhiên
Cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao đỏ ở Sì Lờ Lầu đã đổi thay nhiều, nhưng nhiều phong tục vẫn được gìn giữ. Ảnh: An Nhiên

Sau gần hai ngày, khi mật ong đã khô, tóc đã bết, công việc sơn đầu coi như hoàn thành. Từ đó trở đi họ hạn chế gội đầu, nếu đi làm bẩn tóc, họ lấy quả chanh, quả bưởi mọng nước chà lên tóc cho sạch. Chỉ đến Tết họ mới giở tóc ra dùng nước lá thơm đặc biệt chải vuốt hết sáp cũ, làm lại từ đầu.

Theo lãnh đạo xã Sì Lờ Lầu, cả xã có 629 hộ với hơn 3600 khẩu, 100% là người Dao đỏ sinh sống. Ngày trước hầu hết phụ nữ nơi đây đều nhổ tóc và cắm cờ đỏ trên đỉnh đầu. Tuy nhiên ngày nay chỉ có phụ nữ trung niên nhổ tóc theo phong tục.

An Nhiên