Trăm năm lửa làng nghề vẫn sáng ở Ngan Dừa

PHƯƠNG ANH |

Nghề rèn ở thị trấn Ngan Dừa tồn tại cả trăm năm qua như minh chứng cho sức sống của nghề sản xuất các nông cụ. Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng các lò rèn đây nơi vẫn luôn đỏ lửa, người làng nghề quyết tâm giữ gìn phát huy nghề truyền thống của cha ông.

Lửa làng nghề vẫn sáng

Nghề rèn ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) hình thành từ nhu cầu người dân cần nông cụ để sản xuất nông nghiệp như dao, xẻng, búa, lưỡi hái gặt lúa,... Trong số đó, dao là sản phẩm vang danh khắp gần xa. Mặc dù thời hưng thịnh đã qua, làng nghề vẫn còn đỏ lửa để cho ra đời những sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Ông Trần Văn Tân (Ngan Dừa, Hồng Dân, Bạc Liêu) gắn bó với nghề rèn hơn 30 năm. Ảnh: Phương Anh
Ông Trần Văn Tân (Ngan Dừa, Hồng Dân, Bạc Liêu) gắn bó với nghề rèn hơn 30 năm. Ảnh: Phương Anh

Như tại hộ ông Trần Văn Tân ở ấp Thống Nhất (Ngan Dừa, Hồng Dân, Bạc Liêu) đã duy trì nghề rèn qua 3 thế hệ.

Ông Tân cho biết, nếu so sánh với 20 năm trước thì nghề rèn giờ không còn sôi động nữa. Ngày trước có đến trăm hộ dân theo nghề, đi đến đâu cũng nghe tiếng búa đập sắt “bốp bốp, chan chan”. Trung bình một ngày mỗi lò sản xuất ra vài chục chiếc dao, có khi không kịp để bán. Giờ chỉ còn chưa đầy chục hộ theo nghề, bởi nghề cực và đang chịu sự cạnh tranh của những sản phẩm cơ khí công nghiệp có giá thành rẻ hơn.

"Hiện nay mỗi ngày, lò của tôi rèn khoảng 15-20 chiếc dao, bán với giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng tùy vào chất liệu, độ dày. Mặc dù cực nhưng có thu nhập và được sự tin tưởng của khách hàng nên tôi vẫn luôn bám trụ với nghề”, ông Tân cho biết thêm.

Công đoạn định hình dao. Ảnh: Phương Anh
Công đoạn định hình dao. Ảnh: Phương Anh

Theo người dân, nghề rèn ngày nay nhiều đổi khác, tuy nhiên cái câu “Dao nào bằng dao Ngan Dừa” thì luôn đúng. Bởi sản phẩm dao ở đây được làm từ loại sắt đã chọn lựa cẩn thận, được trui lửa và rèn thủ công theo bí quyết gia truyền nên có độ sắc, bền rất cao.

“Nếu chỉ làm bằng thép thì dao sẽ giòn, dễ mẻ và gãy nên mình phải kết hợp thép với sắt. Tức là chẻ thanh sắt ra, cho lõi thép vào giữa rồi đem nung cho hợp nhất. Phần có lõi thép sẽ là phần lưỡi dao càng mài càng sắc, còn phần thân dao toàn bằng sắt sẽ rất dẻo dai”, ông Trần Văn Tân chia sẻ về bí quyết làm nên những chiếc dao Ngan Dừa.

Dao Ngan Dừa (Hồng Dân, Bạc Liêu) nổi tiếng khắp Nam Bộ. Ảnh: Phương Anh
Dao Ngan Dừa (Hồng Dân, Bạc Liêu) nổi tiếng khắp Nam Bộ. Ảnh: Phương Anh

Làm rèn là phải thường xuyên tiếp xúc với lửa nóng, phải dùng lực để định hình các thỏi sắc nên đòi hỏi sức chịu đựng của người làm rất cao.

Nghề rèn thường xuyên tiếp xúc với lửa nóng để nung chảy sắt. Ảnh: Phương Anh
Nghề rèn thường xuyên tiếp xúc với lửa nóng để nung chảy sắt. Ảnh: Phương Anh

Ông Nguyễn Thanh Minh - một người làm nghề rèn ở Ngan Dừa - chia sẻ: “Nghề này phải chịu được nóng, không chịu được nóng là làm không được. Ngoài ra người thợ phải có sức vóc và đôi tay khéo léo, đôi mắt tinh anh và sự kiên nhẫn. Trên tất cả là phải có tâm và yêu nghề. Làm quen thì đam mê, muốn bỏ cũng không được”.

Những chiếc lò rèn trên sông

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là những hộ dân sinh sống ở vùng nông thôn, nhiều hộ làm rèn ở Ngan Dừa đã chuyển máy búa, lò than, máy mài xuống ghe để đi khắp nơi phục vụ.

Đã hơn chục năm nay, ông Nguyễn Văn Chiến cùng người cháu xuôi ngược khắp các con sông lớn nhỏ từ Bạc Liêu xuống Cà Mau, Kiên Giang rồi Hậu Giang để làm nghề rèn, có khi hằng tháng trời mới trở về nhà.

Ông Chiến cho biết: “Ở nông thôn bà con đi lại khó khăn nên hầu như mọi người trông đợi vào chiếc ghe rèn để mua, trui dao, kéo. Có khi ghé một bến sông, mình bán được vài cây dao và mài thêm dao, búa cũ cho bà con. Thu nhập trung bình mỗi ngày cũng từ vài trăm đến cả triệu đồng. Dù xa nhà nhưng đổi lại nghề nuôi sống gia đình nên vẫn xuôi ngược khắp nơi”.

Ông Nguyễn Văn Chiến (Ngan Dừa, Hồng Dân, Bạc Liêu) làm nghề rèn trên sông. Ảnh: Phương Anh
Ông Nguyễn Văn Chiến (Ngan Dừa, Hồng Dân, Bạc Liêu) làm nghề rèn trên sông. Ảnh: Phương Anh

Ông Nguyễn Văn Trước ở xã Xà Phiên (Long Mỹ, Hậu Giang) cho biết: “Bà con xóm này 10 năm nay không mang dao kéo ra chợ mài nữa. Cần mua mới cũng đợi khi nào ghe tới bến mới mua. Giá cho việc mài, sửa lưỡi dao khoảng 30.000 - 50.000 đồng. Làm mới, thay trui dao, kéo cũng khoảng hơn 40.000 đồng. Giá này có nhỉnh hơn tại các lò trên bờ nhưng bù lại mình không tốn công đến chợ nên bà con ở đây vẫn chọn lò rèn trên sông”.

Ngày nay nghề rèn đã đỡ phần vất vả do có máy móc hỗ trợ một số công đoạn. Sản phẩm làm ra đã rút ngắn 1/4 thời gian so với trước kia. Nhưng chiếc dao, chiếc búa “thô” Ngan Dừa vẫn “sống khỏe” vì độ bền, sắc, đẹp và cả mồ hôi, tâm huyết của người thợ gửi gắm vào sản phẩm.

PHƯƠNG ANH