Tìm giải pháp bảo tồn làng nghề vẽ tranh trên kính ở Sóc Trăng

PHƯƠNG ANH |

Nghề vẽ tranh trên kiếng (kính) xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ và nổi tiếng khắp Nam bộ. Ở đây gia đình nào cũng biết vẽ tranh. Những sản phẩm làm ra không chỉ được bán tại địa phương mà còn được khách hàng nhiều tỉnh, thành khác ưa chuộng. Tuy nhiên, do sự phát triển của công nghệ, sự cạnh tranh của nhiều loại tranh khác nên giờ đây làng nghề chỉ còn một vài người theo nghề và đứng trước nguy cơ mai một.

Đìu hiu làng nghề

Khoảng những năm 1990 - 1995, khi đến với làng nghề vẽ tranh trên kính ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân (Châu Thành, Sóc Trăng) dễ dàng bắt gặp những giàn phơi đầy tranh. Người tất bật vẽ, người hối hả đem tranh phơi nắng, rồi lại mang vào khi tranh đã khô. Nhưng giờ đây hình ảnh ấy đã không còn, chỉ còn vài bức tranh của một hộ duy nhất đang cố gắng giữ nghề.

Bà Triệu Thị Vui ở ấp Phước Thuận có lẽ là người cuối cùng còn duy trì nghề cho đến ngày nay - chia sẻ: Bà học được nghề nhờ gia đình bên chồng chỉ dạy. Thời điểm khoảng 25 - 30 năm về trước, tranh kính bán rất đắt. Cả dòng họ thuê ghe chở đi bán khắp các tỉnh miền Tây chỉ vài ngày là đã hết. Cũng nhờ nghề này mà gia đình có cuộc sống ổn định.

“Còn bây giờ có nhiều loại tranh khác đẹp, người mua lại ít nên mỗi tháng tôi chỉ vẽ tầm hơn chục bức giao cho các mối quen. Nghề này không cho thu nhập cao nhưng vì đam mê và muốn lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc Khmer nên mình gắn bó với nghề”, bà Vui cho biết thêm.

Bà Triệu Thị Vui (Phú Tân, Châu Thành, Sóc Trăng) đang vẽ tranh Phật trên kiếng. Ảnh: Phương Anh
Bà Triệu Thị Vui đang vẽ tranh Phật trên kính. Ảnh: Phương Anh

Theo bà Vui, để hoàn thành một bức tranh trên kính phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người vẽ phải có sự khéo léo, cặp mắt thẩm mỹ trong phối màu, nét bút thật sắc sảo.

Tranh được vẽ trên tấm thủy tinh trong suốt, kích thước bức tranh không giới hạn, màu sắc thì phong phú. Nguyên tắc là phải vẽ từ mặt sau của tấm kính, chi tiết sau cùng thì phải vẽ trước tiên. Vẽ xong lật lại và bề đó là bề mặt của tranh. Chính đặc điểm này đã tạo nên nét độc đáo của nghệ thuật tranh kính.

Khâu cực nhất của vẽ tranh kính đó là vẽ xong một lượt màu phải đem ra phơi nắng cho khô. Sau đó lại vẽ tiếp lượt màu thứ 2 rồi lại phơi. Như vậy, vẽ - phơi khô cho đến khi thành phẩm.

Trang trên kiếng được vẽ tỉ mỉ và tinh xảo. Ảnh: Phương Anh
Trang trên kính được vẽ tỉ mỉ và tinh xảo. Ảnh: Phương Anh

“Phần lớn người Khmer theo đạo Phật, vì vậy những tác phẩm được vẽ trên kính của dân tộc Khmer thường kể về cuộc đời Đức Phật, phong cảnh làng quê, danh lam thắng cảnh hay chùa chiền. Tranh được các gia đình mua về để thờ tự hoặc trang trí trong nhà”, bà Triệu Thị Vui chia sẻ.

Ngày nay, tranh kính đã chuyển đổi từ cách vẽ thủ công sang kỹ thuật kéo lụa tiên tiến. Mỗi bức tranh có đến 7, 8 màu và áp dụng cả pha trộn màu chồng lên làm tăng cảnh sắc, giá bán cạnh tranh với tranh kính vẽ truyền thống. Trong khi đó, những người trẻ tại đây lại không chịu học nghề đó là lý do khiến nghề vẽ tranh trên kính đang dần mai một.

Tranh kiếng được vẽ từng công đoạn. Ảnh: Phương Anh
Tranh kính được vẽ từng công đoạn. Ảnh: Phương Anh

“Nghề này không cực nhưng mất nhiều thời gian, lại cần sự tỉ mỉ nên có lẽ nhiều người không muốn tiếp nối nghề truyền thống. Rất nhiều chị em tay nghề cao cũng đã chuyển sang làm công việc khác, còn mấy đứa trẻ thì không chịu học vẽ nên chắc chắn không bao lâu nghề này sẽ không còn người kế thừa”, bà Triệu Thị Vui trăn trở.

Cần có giải pháp bảo tồn

Trước thực trạng nghề vẽ tranh trên kiếng truyền thống đang dần mai một, UBND xã Phú Tân (Châu Thành, Sóc Trăng) đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng xây dựng phòng học và kết hợp với bà Triệu Thị Vui để truyền nghề cho các em nhỏ trên địa bàn. Lớp học có 12 em tham gia, sau khóa học có 4 em được đánh giá là vẽ đẹp, có hồn.

Chủ đề tranh kiếng thường về Đức Phật, cuộc sống, Chùa chiền. Ảnh: Phương Anh
Tác phẩm của một em trong lớp học vẽ tranh trên kính. Ảnh: Phương Anh

Nói về lớp dạy, bà Triệu Thị Vui cho biết: “Mình trực tiếp dạy các cháu với tâm huyết truyền hết nghề, mong muốn có truyền nhân để nghề vẽ tranh trên kiếng của ông bà được giữ gìn và phát huy. Hiện có 4 cháu vẽ đạt yêu cầu, khi nào khi có đơn đặt hàng nhiều mình cũng nhờ các cháu vẽ phụ. Vừa giúp có thêm thu nhập vừa giúp nâng cao tay nghề của các cháu”.

Bà Dương Thị Trang - Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân (Châu Thành, Sóc Trăng) thông tin: “Vẽ tranh trên kính là nghề truyền thống, mang đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer nên cần phải duy trì và phát triển. Hiện nay, xã đang xây dựng đề án phát triển du lịch các làng nghề tại Phú Tân. Khi du lịch phát triển, khách đến tham quan nhiều sẽ tạo cơ hội cho ngành nghề truyền thống phát triển theo, trong đó có nghề vẽ tranh trên kính”.

PHƯƠNG ANH