Thách thức trong công tác bảo tồn di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

QUANG ĐẠI |

Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2023, cấp liên tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh vừa diễn ra tại TP Vinh từ ngày 3 đến 5.8. Mặc dù hai địa phương đã có rất nhiều nỗ lực, song mục tiêu bảo tồn di sản này đang gặp không ít khó khăn, thách thức.

Nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản

Với chủ đề "Đôi bờ ví, giặm", Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2023 do UBND 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phối hợp tổ chức. Tham gia liên hoan có 19 câu lạc bộ dân ca ví, giặm tiêu biểu được lựa chọn từ liên hoan của 2 tỉnh tổ chức trong tháng 7 vừa qua, trong đó, tỉnh Nghệ An có 12 câu lạc bộ, tỉnh Hà Tĩnh có 7 câu lạc bộ.

Vào năm 2014, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đó đến nay, chính quyền địa phương, ngành văn hóa và nhân dân hai tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực để bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Đến nay, tại hai tỉnh đã có hàng trăm câu lạc bộ (CLB) dân ca ví, giặm tại các phường, xã, cơ quan, đơn vị, trường học với hàng ngàn thành viên. Hàng năm, tại các tỉnh đều tổ chức liên hoan các câu lạc bộ từ cấp phường xã đến cấp tỉnh. 2 năm một lần, tổ chức liên hoan cấp liên tỉnh.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở VHTT Nghệ An cho biết, tại liên hoan năm nay, các CLB đã chú trọng đầu tư các tiết mục hình thức diễn xướng đậm màu sắc phong tục, ngành nghề truyền thống của địa phương, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Liên hoan năm nay đặc biệt có sự tham gia của các CLB dân ca và đội văn nghệ mới ở các huyện miền núi, nghệ nhân tham gia có cả người dân tộc thiểu số...

Theo NSND Trịnh Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống Nghệ An, với việc thành lập mạng lưới các CLB dân ca ví, giặm ở khắp các địa bàn phường xã và kết nạp hàng nghìn thành viên, đã tạo ra sức sống và sức lan tỏa của di sản văn hóa trong cộng đồng, để người dân tham gia kiến tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa.

Khó khăn, thách thức trong bảo tồn di sản dân ca ví giặm

Là người đam mê, gắn bó và đặc biệt tâm huyết với dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, NSND Trịnh Hồng Lựu cũng rất băn khoăn, trăn trở trước những khó khăn, thách thức trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Trước đây, dân ca ví, giặm được thể hiện tự nhiên và phổ biến trong môi trường lao động hàng ngày, gắn bó mật thiết với cuộc sống người dân, là sinh hoạt văn hóa được đông đảo người dân yêu thích và tham gia sáng tạo, thực hành. Từ thực tế đó đã có một lực lượng đông đảo các trí thức tham gia sáng tác lời hát và trực tiếp hát.

Còn hiện nay, trong thực tế đời thường, có rất ít người dân tham gia sáng tạo và thực hành hát ví, giặm để giao lưu, trao đổi tâm tình. Còn các hoạt động khác như câu lạc bộ dân ca, liên hoan dân ca, sân khấu hóa, trình diễn dân ca ví, giặm… đều là những hình thức phái sinh (mô phỏng, tái hiện, trình diễn) chứ không đúng với định nghĩa, khái niệm gốc của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Lực lượng tham gia sáng tác lời cho dân ca ví giặm ngày càng giảm sút. Một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ không còn mặn mà với dân ca nói chung và với dân ca ví, giặm nói riêng. Việc tìm kiếm, đào tạo tài năng rất khó khăn do nhân tài đã hiếm mà chế độ đãi ngộ chưa tương xứng.

Theo NSND Trịnh Hồng Lựu, nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó là do sự thay đổi về điều kiện, môi trường sống, môi trường lao động, về các yếu tố khác liên quan đến nhu cầu giao lưu, giãi bày, giải trí của con người trong xã hội đương đại đã rất khác biệt so với cách đây hàng trăm năm.

Mặt khác, việc hoạt động của các CLB dân ca cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều CLB hoạt động cầm chừng, rời rạc. Các CLB được thành lập trên tinh thần tự nguyện và kinh phí hoạt động do các thành viên tự túc và chỉ khi CLB tham gia đoạt giải thì mới được hỗ trợ một phần kinh phí. Thiếu hạt nhân nòng cốt khi thế hệ nghệ nhân lão luyện ngày càng thưa vắng, thế hệ người trẻ có tố chất lại không mặn mà; chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân chưa thỏa đáng... là những thách thức rất lớn trong việc phát huy vai trò của các CLB dân ca ví, giặm và cũng là thách thức đối với mục tiêu bảo tồn di sản trong cộng đồng.

QUANG ĐẠI