Tại Quảng Nam, thời tiết trước Tết ấm áp, nhưng đúng ngày mồng 1 Tết Giáp Thìn lại có mưa xuân rơi nhẹ. Với quan niệm mưa xuân là điềm lành, người dân khắp nơi đã tề tựu về nghĩa trang nhân dân xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam để viếng mộ (tảo mộ) người thân.
Anh Trần Văn Quang (42 tuổi, xã Tam Phú) cùng mẹ, em gái và các con đi viếng hương người dì đã mất ngày mồng 1 Tết, cho biết: “Viếng mộ là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam, thể hiện hiếu đạo của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, những người đã khuất trong dịp tết đến, xuân về. Nên dù thời tiết mưa gió, năm nào gia đình tôi cũng dành thời gian để đi thắp nén nhang, tưởng nhớ người đã mất”.
Được theo cha đi tảo mộ ông bà từ năm lên 6 tuổi, em Trần Văn Hòa (15 tuổi, con trai anh Quang) cho hay, trong lúc em lau dọn, viếng mộ thì em cũng báo cáo thành tích học tập với tổ tiên. Còn cha cũng giới thiệu cho em biết là đang tảo mộ của ai và nhắc lại cho nhau nghe những kỷ niệm về người đã khuất...
Trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, cha ông dù đã mất đi nhưng vẫn luôn ở trong tâm trí của con cháu đời sau. Phong tục tảo mộ không chỉ nhằm tưởng nhớ những người đã khuất mà còn là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét, thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân với gia đình và dòng họ.
Quê ở Vĩnh Long, lấy chồng về Tam Kỳ, Quảng Nam đã 8 năm, năm nay là lần đầu tiên vợ chồng chị Nguyễn Thị Diễm Hương (34 tuổi) đưa con gái con gái 7 tuổi và con trai mới 8 tháng tuổi đi viếng mộ ông bà.
Trong khi chồng đang sửa soạn, thay chậu hoa vạn thọ mới trên từng phần mộ, thì chị Hương lấy mũ áo che hạt mưa xuân lất phất cho thành viên nhỏ nhất trong gia đình đang ngủ ngon lành.
“Ở quê Vĩnh Long của tôi cũng có tục viếng mộ nhưng mộ thường được chôn cất cạnh nhà. Còn ở quê chồng thì gia đình có khu nghĩa địa gia tộc nằm trong nghĩa trang tập trung của địa phương, di chuyển khá xa. Mọi năm, chỉ có 2 vợ chồng đi viếng hương. Năm nay cả nhà dự định sau khi viếng mộ sẽ đi chúc Tết ông bà, người thân nên đã đưa các con cùng đi”, chị Hương chia sẻ.
Theo ông Trần Mai, vị cao niên ở làng Tân Hội, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, thông thường nhiều gia đình đã cử thành viên ở gần đi tảo mộ trước Tết, dọn dẹp, trang trí từng phần mộ và thắp nén nhang mời tổ tiên về ăn Tết. Nhưng sáng mồng 1 Tết, khi tất cả con cháu ở xa về đông đủ thì lại tiếp tục đi viếng hương lần nữa.
Thông qua phong tục này nhằm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ; giáo dục cho con cháu hướng về nguồn cội để Tết càng thêm ý nghĩa hơn , ông Mai nói.