Sức sống mới của thổ cẩm Tây Nguyên

Phan Tuấn |

Bằng tình yêu chân thành, nhiều nghệ nhân ở Tây Nguyên đang làm sống lại nghề dệt thổ cẩm, tạo thêm sinh kế cho các thế hệ cùng nhau bảo tồn di sản truyền thống của dân tộc.

Thổ cẩm bây giờ không còn bó buộc trong phạm vi buôn làng nữa mà đã trở thành sản phẩm trong lĩnh vực thời trang, đồ lưu niệm, nội thất… Chính điều này đã tạo nên sức sống mới cho thổ cẩm.

Theo chị H'Bình ở bon N'Jiêng, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông), vài năm gần đây, thổ cẩm của người Mạ có nhiều cơ hội để "sống lại”. Hiện nay, những hoa văn truyền thống của dân tộc, những màu sắc tự nhiên của núi rừng đã được các nhà thiết kế đưa vào trong các sản phẩm thời trang.

Chính điều đó đã giúp nghề dệt của chị và nhiều phụ nữ khác trong xã phát triển, tạo thu nhập ổn định. “Một tuần, mỗi người có thể dệt được một tấm thổ cẩm khá lớn với giá bán từ 1,5 - 3 triệu đồng. So với công việc nương rẫy, dệt thổ cẩm nhẹ nhàng và mang lại thu nhập cao hơn. Những người dệt thổ cẩm như chúng tôi đã có hướng đi mới để phát triển kinh tế lâu dài”, chị H'Bình phấn khởi.

Bà H'Bạch dù năm nay đã 74 tuổi nhưng vẫn thường xuyên chỉ dạy cho con cháu giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho gia đình. Ảnh: Phan Tuấn
Bà H'Bạch dù năm nay đã 74 tuổi nhưng vẫn thường xuyên chỉ dạy cho con cháu giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho gia đình. Ảnh: Phan Tuấn

Còn chị H’Ler Êban, ở thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) không chỉ giúp cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê sống lại mà còn đưa sản phẩm văn hóa truyền thống của dân tộc đến tay người tiêu dùng khắp bốn phương, đặc biệt là việc xuất ngoại đi nhiều nước trên thế giới.

Năm 2018, chị H'Ler đã dùng tất cả nguồn thu nhập của gia đình để thành lập nhà may Amí Sia. Từ đây, chị đã tập hợp nhiều nghệ nhân có kinh nghiệm trên địa bàn tỉnh dệt thổ cẩm để bán cho mình.

Sau khi các nghệ nhân hoàn thành phần dệt, chị H’Ler đã mang về và tự tay thiết kế, cắt may các mẫu trang phục cách tân với phong cách hiện đại, với phương châm "hòa nhập nhưng không hòa tan”.

Theo chị H’Ler, để trang phục thổ cẩm phù hợp với thị hiếu thời trang thì chị không ngừng nghiên cứu, học hỏi. Việc này nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mới lạ, phù hợp với mọi lứa tuổi, thời tiết, môi trường làm việc khác nhau.

Trung bình mỗi năm, nhà may Amí Sia đã bán ra trên 500 sản phẩm trang phục thổ cẩm cho khách hàng trong nước và bà con Việt Kiều ở Mỹ, Australia, Canada, Phần Lan...

Hiện nay, tiệm may của chị H'ler đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 thợ may và 10 nghệ nhân dệt, với mức thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/tháng.

Trần H’Nhàn (SN 2006) là thế hệ thứ 3 tiếp nối nghề dệt thổ cẩm trong một gia đình người dân tộc Mạ ở tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Phan Tuấn
Trần H’Nhàn (SN 2006) là thế hệ thứ 3 tiếp nối nghề dệt thổ cẩm trong một gia đình người dân tộc Mạ ở tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Phan Tuấn

Cũng bằng sự đam mê và sáng tạo, nghệ nhân trẻ H’Luin Adrơng ở buôn Ju, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma thuột đã thiết kế những chiếc váy, áo cưới thổ cẩm cách điệu nhẹ nhàng, mềm mại, đẹp mắt giúp thổ cẩm có cơ hội phát triển.

Sau 2 năm, đến nay, chị đã cho ra mắt hơn chục mẫu váy cưới thổ cẩm đáp ứng nhu cầu của đông bảo giới trẻ, được nhiều người tiêu dùng yêu thích, đón nhận.

Qua thực tế cho thấy, bên cạnh sự nổ lực của người dân thì những năm gần đây, trên phạm vi cả nước nói chung và các tỉnh Tây Nguyên nói riêng các cấp, ngành đã tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh nghề dệt thổ cẩm.

Qua đó, góp phần giữ gìn nét đẹp thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số mà còn tạo ra đời sống mới để thổ cẩm vươn xa.

Phan Tuấn