Sống khỏe nhờ nghề làm bánh dân gian

PHƯƠNG ANH |

Ngày nay, trong xu thế phát triển, các loại bánh ngày càng đa dạng về chủng loại và phong phú về mùi vị, hình dáng. Tuy nhiên, bánh dân gian vẫn luôn có vị trí riêng trong lòng người thưởng thức. Cũng từ đó, những người làm nghề vừa có thu nhập ổn định vừa có điều kiện giữ gìn nghề truyền thống của cha ông.

Từ lâu, bánh tét là món ăn truyền thống không thể thiếu của mỗi gia đình Nam Bộ trong dịp Tết đến Xuân về. Ngày nay, bánh còn được sử dụng như một thức ăn hàng ngày. Nhờ vậy những người làm nghề gói bánh tét truyền thống vẫn luôn sống khỏe.

Gia đình ông Phương Văn Long ở xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) đã có 20 năm làm nghề gói bánh tét. Hằng ngày, vợ chồng ông dậy từ 5 giờ sáng để gói cả trăm đòn bánh giao cho các cửa hàng chuyên bán bánh truyền thống ở địa phương. Tùy vào kích cỡ to hay nhỏ mà giá bán khác nhau, trung bình từ 10.000 - 35.000 đồng/đòn.

Những lúc cao điểm như Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, Tết truyền thống của đồng bào Khmer thì số lượng tăng gấp đôi gấp ba, nhờ vậy, thu nhập gia đình cũng được cải thiện.

Gói bánh Tét là nghề thu nhập chính của gia đình ông Phương Văn Long (Thạnh Phú, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Ảnh: Phương Anh
Gói bánh Tét là nghề thu nhập chính của gia đình ông Phương Văn Long (Thạnh Phú, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Ảnh: Phương Anh

"Nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng từ nếp, đậu xanh, chuối, thịt mỡ. Các công đoạn gói phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khi nấu cần đủ thời gian để bánh chín đều, mềm và bảo quản được lâu. Bà con dùng khen ngon nên ủng hộ đều đều. Nhờ vậy mà mấy chục năm nay, nghề làm bánh trở thành thu nhập chính của gia đình, trung bình một ngày thu nhập khoảng 200.000 đồng”, ông Long vui vẻ cho biết thêm.

Chị Từ Thị Hồng Nhung ở xã Liêu Tú (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cũng đã mạnh dạn chọn nghề làm bánh truyền thống của gia đình để khởi nghiệp. Với các loại như bánh như hột gà, đậu xanh và mứt truyền thống đều mang hương vị rất riêng. Cơ sở của chị còn được Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu nên ngày càng khẳng định được uy tín trên thị trường.

Vậy là từ chiếc bánh quẩn quanh ở chợ quê, giờ đây đã có mặt ở nhiều cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Hiện mỗi ngày, cơ sở của chị Nhung cung ứng ra thị trường vài chục kg bánh, vào dịp Rằm hay đám tiệc, đặc biệt là Tết Nguyên đán thì nhu cầu tiêu thụ bánh rất cao.

“Bánh được thực khách nhiều nơi ưa chuộng bởi vẫn giữ được hương vị truyền thống vì được chế biến hoàn toàn bằng thủ công nhưng vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh.

Nhờ làm bánh quê mà những năm gần đây, kinh tế gia đình từng bước được cải thiện và góp phần duy trì, phát triển nghề truyền thống ở địa phương”, chị Nhung thông tin thêm.

Bánh dân gian luôn có hương vị rất đặc trưng. Ảnh: Phương Anh
Bánh dân gian luôn có hương vị rất đặc trưng. Ảnh: Phương Anh

Ngày trước, bánh quê chủ yếu được làm trong nhà để đãi gia đình, bè bạn, là món quà biếu khách phương xa. Chiếc bánh đơn giản mà gắn bó nghĩa tình, gây nhớ nhung vì hương vị thân thương, thơm thảo.

Ngày nay, thị trường có đa dạng các loại bánh nhưng bánh quê vẫn luôn được nhiều người ưa chuộng, bởi phần lớn vẫn làm theo cách thủ công, truyền thống từ các công đoạn ngâm gạo, nhào bột đến khi làm thành phẩm.

Qua bàn tay khéo léo của người thợ, từng chiếc bánh kẹp, bánh bông lan, bánh hột gà, bánh bò, bánh chuối,... được nên hình nên dáng và trở nên thơm ngon, đậm đà hương vị.

Nghề làm bánh truyền thống giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định. Ảnh: Phương Anh
Nghề làm bánh truyền thống giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định. Ảnh: Phương Anh

Nhịp sống hiện đại hối hả, không còn nhiều gia đình tự làm các loại bánh đòi hỏi sự công phu, khéo léo. Nhờ có những người thợ lành nghề các loại bánh dân gian vẫn giữ hương vị vốn có, kịp thời đáp ứng nhu cầu xã hội. Và nghề làm bánh dân gian truyền thống cũng đã mang đến cho người thợ cuộc sống khấm khá hơn.

PHƯƠNG ANH