Pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm trong lịch sử nghệ thuật

NGUYỄN HỮU MẠNH - ĐÀO XUÂN NGỌC |

Như Báo Lao Động đã thông tin về nguồn gốc và hành trình lưu lạc của pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm chùa Báo Ân trong số trước. Bài viết này, chúng tôi tiếp tục cập nhật những thông tin xoay quanh về pho tượng. Trong đó, nổi bật lên là tầm quan trọng của pho tượng trong lịch sử nghệ thuật Phật giáo Việt Nam. 

Nội hàm biểu tượng

Hình tượng Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn được thờ phụng phổ biến trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nhiều văn bia đã ghi chép lại truyền thống tôn thờ vị Bồ tát này dưới danh xưng “tượng Đại Bi”, như: Văn bia chùa Đại Bi núi Văn Lỗi do Phạm Sư Mạnh (1300 - 1384) soạn có nhắc đến việc đúc một pho tượng Đại Bi bằng vàng; Văn bia tháp Viên Thông, cũng như Tam tổ thực lục cũng có nhắc đến việc đúc tượng thiên thủ Đại Bi…vv.

Khi nghiên cứu bức tượng, quản thủ Bảo tàng Guimet Pierre Baptiste cũng nhận thấy rằng tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm này rất giống tượng Quán Thế Âm chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) về cách xử lý vân gỗ, sơn son thếp vàng, phục trang cũng như cách bố trí các cánh tay. Đây cũng là tiêu chí để xác định tượng có nguồn gốc và thuộc truyền thống tượng cổ miền Bắc Việt Nam. Về niên đại của bức tượng, Bảo tàng Guimet cho rằng tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm chùa Báo Ân có một khung niên đại khá dài từ thế kỷ XVIII - XIX, được làm dưới thời Hậu Lê hoặc Nguyễn. Tuy nhiên, theo chúng tôi, pho tượng nhiều khả năng được tạo tác trong khoảng thời gian năm 1842 - 1846, cũng là khoảng thời gian xây dựng chùa Báo Ân.

Bức tượng này cùng với các tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), Mễ Sở (Hưng Yên), Đào Xuyên (Hà Nội) v.v… là những minh chứng cho truyền thống tượng cổ miền Bắc, cũng như truyền thống thờ Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm ở Việt Nam. Trong số những tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm hiện biết, bức tượng Quán Âm chùa Báo Ân là một trong những bức tượng ngàn tay ngàn mắt có hình tướng đứng đẹp nhất trong lịch sử nghệ thuật tạc tượng cổ Việt Nam. Bức tượng được nghệ nhân chạm khắc, sơn thiếp một cách công phu, tỉ mỉ, kỹ càng đến từng chi tiết nhỏ, thể hiện tư duy, thẩm mỹ của người chế tác nhưng cũng thể hiện chính xác hình tướng của vị Quán Âm này trong những kinh điển Mật giáo. 

Vai trò trong lịch sử nghệ thuật Phật giáo Việt Nam

Về lịch sử ra đời của hình tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm đã có nhiều nghiên cứu chuyên sâu. Người ta cho rằng, các vị thần Indra (thần chiến tranh), Vishnu (thần bảo hộ) trong Bà La Môn giáo cũng có ngàn tay, ngàn mắt nhưng hình thức Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm trong Phật giáo chịu ảnh hưởng của hình tướng thần Shiva ngàn tay ngàn mắt trong Bà La Môn giáo. Tuy vậy, chúng ta không tìm thấy được hình ảnh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm ở Ấn Độ. Trong lời tựa của bản dịch Chú đại bi, người ta cho rằng một vị cao tăng từ miền Trung Ấn Độ đã đến Trung Quốc vào khoảng năm 618 - 626 và đã vẽ một bức tranh về hình tượng này rồi dâng lên hoàng đế cùng với một văn bản về các nghi lễ liên quan tới vị Quán Thế Âm này.

Sau đó, một cao tăng khác đến từ miền Bắc Ấn Độ cũng mang tới Trung Quốc một văn bản tiếng Phạn của Thiên Thủ Thiên Nhãn Ðại Bi Tâm Ðà La Ni Kinh rồi dịch văn bản đó sang Tiếng Trung. Nghĩa là, từ rất sớm hình tượng này dã được biết tới ở Trung Hoa và có thể lan truyền tới Việt Nam. Lý Lợi An, một nhà nghiên cứu hình tượng Quán Thế Âm nổi tiếng người Trung Quốc cho biết Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm là một trong sáu vị Quán Thế Âm quan trọng nhất của Mật giáo.

Như đề cập của chúng tôi ở phần trên, vị Quán Thế Âm này được đề cập đến trong nhiều kinh tạng Mật giáo. Trong Mạn đà la của Mật giáo, Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm xuất hiện trong cả Kim Cương giới và Thai Tạng giới. Ngài được gọi là Liên Hoa Bộ hoặc Quán Âm Bộ là một trong năm bộ của Kim Cương Giới và là một trong ba bộ của Thai Tạng Giới.

Nếu như những nghiên cứu của Giáo sư Hà Văn Tấn chỉ ra rằng Mật giáo có mặt trong Phật giáo Việt Nam với bằng chứng rõ ràng ở Ninh Bình trong thế kỷ IX-X, thì bức tượng Quán Thế Âm chùa Báo Ân được đề cập ở đây, cho thấy, những ảnh hưởng của Mật giáo trong đời sống xã hội và tôn giáo của người Việt vẫn tiếp diễn tới thế kỷ XIX. Sự xuất hiện của một loạt các tượng Quán Thế Âm trong những ngôi cổ tự Việt cho thấy “Thiền giáo chịu ảnh hưởng của Mật giáo là đặc trưng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam”.     

Trên đây, là những ghi chép của chúng tôi về bức tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm chùa Liên Trì đang được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Guimet. Ghi chép này hy vọng làm phong phú thêm cho kho tàng lịch sử nghệ thuật Phật giáo Việt Nam với một pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm đặc sắc với nguồn gốc và niên đại rõ ràng.

Đồng thời, qua khảo tả pho tượng cổ này, chúng tôi cũng bước đầu đưa ra những gợi mở để làm “sống lại” một di tích Phật giáo quy mô từng tồn tại bên Hồ Gươm - chùa Báo Ân với ngôi tháp Hoà Phong còn hiện hữu. Dẫu thời gian trôi qua hơn trăm năm từ khi chùa bị phá, dẫu di tích chùa xưa nay cũng chỉ còn dấu vết thì những dư âm nhắc nhở về “chùa xưa tích cũ” vẫn luôn hiện hữu, âm thẩm chảy trong đời sống ngày nay. 

Bức tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm chùa Báo Ân hiện đang trưng bày ở bảo tàng Guimet (Pháp) là một kiệt tác trong nghệ thuật Phật giáo nước ta. Bức tượng Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn này đã được liệt vào danh sách là một trong 113 bảo vật tiêu biểu nhất đến từ các nền mỹ thuật tôn giáo Châu Á gồm các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Bức tượng là một trong những báu vật, là minh chứng rõ ràng cho nét đặc sắc của nghệ thuật Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy chung của nghệ thuật Phật giáo thế giới. 

NGUYỄN HỮU MẠNH - ĐÀO XUÂN NGỌC