Pho tượng Quán Thế Âm Bồ tát lâu đời nhất Việt Nam

TS. Nguyễn Hữu Mạnh |

Tượng Quán Thế Âm Bồ tát chùa Cung Kiệm đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia vào ngày 30 tháng 1 năm 2023 với Quyết định số 41/QĐ-TTg.

Chùa xưa lưu giữ tượng cổ

Chùa Cung Kiệm (Thượng Phúc tự) ở xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh từ lâu đã được xây dựng trên một gò đất cao ở cuối làng, quay mặt về hướng Đông Nam. UBND tỉnh đã công nhận chùa Cung Kiệm là Di tích Lịch sử - Văn hóa bằng Quyết định số 1598/CT ngày 30.11.1996.

Vào thời Lê Sơ, nhiều người đến viếng thăm chùa và quyên góp tiền để trùng tu, tạc tượng Phật, trong đó pho tượng Quán Thế Âm Bồ tát được làm bằng đá, vẫn còn được lưu truyền cho đến ngày nay.

Quán Thế Âm Bồ tát, là vị Bồ tát đại từ đại bi có tổng cộng 33 hóa thân. Ngài được tôn vinh là "Đại từ Đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ tát" và được gọi tắt là "Đại Bi". Tín ngưỡng thờ Quán Thế Âm Bồ tát xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ I - II Công nguyên, sau đó lan rộng đến Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Đầu tiên, Quán Thế Âm Bồ tát được tôn tượng dưới dạng một nam thần, sau khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa, Quán Thế Âm Bồ tát được tôn tượng theo hình tướng nữ giới.

Pho tượng Quán Thế Âm Bồ tát ở chùa Cung Kiệm hay còn gọi là Diệu Thiện hoặc bà chúa Ba Quán Thế Âm Bồ tát, tượng trưng cho ứng thân của Nam Hải Quán Thế Âm Bồ tát, dựa trên các hình tượng nghệ thuật, kinh điển và truyền thuyết về Quán Thế Âm Bồ tát lưu truyền ở Việt Nam. Có nhiều dị bản trong câu chuyện về đức Quán Thế Âm Bồ tát Diệu Thiện, nhưng nội dung cơ bản là Đức Phật bà, con gái của Diệu Trang vương, có dung mạo xinh đẹp và lòng mộ Phật. Bà đã từ bỏ vinh hoa phú quý để tu hành đắc đạo, vượt qua mọi khó khăn để cứu độ chúng sinh.

Hóa thân cứu độ chúng sinh

Hiện nay, pho tượng Quán Thế Âm Bồ tát chùa Cung Kiệm được đặt trên bục cao, gian bên phải tòa Thượng điện. Pho tượng Quán Thế Âm Bồ tát chùa Cung Kiệm là pho tượng đá duy nhất được tạo tác từ hai khối tách rời cao tổng thể 88,7cm, bao gồm phần thân tượng cao 51,8cm và bệ tượng cao 36,9cm.

Thân của Quán Thế Âm Bồ tát được tạo tác trong tư thế ngồi bán kiết già, nửa bàn chân phải lộ ra ngoài. Hai tay chấp lại, tay trái đặt trên đầu gối trái, tay phải đưa ra phía trước. Pho tượng đội mũ thiên quan, bao quanh mũ là chạm nổi họa tiết hoa sen, hoa mai. Khuôn mặt tượng toát lên vẻ từ bi của nhà Phật mặc dù thon gọn, thanh tú và nữ tính. Cổ của pho tượng Quán Thế Âm bồ tát có ba ngấn, mắt khép hờ, sống mũi cao, miệng mỉm cười tự nhiên, thùy tai chảy dài. Tượng mặc hai lớp áo trên mình và đeo dây anh lạc trước ngực, chính giữa khắc một bông hình hoa mai 9 cánh. Một dải lụa được thắt nút ở giữa bụng, tạo thành hai dải lụa rủ xuống lòng bàn chân.

Bệ đá đặt tượng được chia thành ba phần. Phần trên cùng là đài sen với các cánh sen, bông sen và hoa dây. Hai con thủy quái đang ngoảnh mặt vào nhau chạm vào sóng nước ở giữa thắt lại. Đôi thủy quái ngóc đầu lên trên sóng biển và ngoảnh mặt vào nhau để lấy đài sen. Hình tượng này dường như khắc họa Quán Thế Âm Quá Hải trong kinh Phật, cho biết Quán Thế Âm Bồ tát vượt biển, nhìn xuống dưới thấy đám thủy quái đang hoành hành dữ dội. Quán Thế Âm Bồ tát đã thuần phục đám thủy quái và ra tay cứu vớt chúng. Đó là lý do tại sao hình tượng này thường được kết hợp với hình ảnh quái vật đội tòa sen rước Quán Thế Âm Bồ tát.

Tượng Quán Thế Âm Bồ tát chùa Cung Kiệm là pho tượng duy nhất có minh văn trên thân tượng và bệ tượng. Minh văn trên pho tượng Quán Thế Âm Bồ tát chùa Cung Kiệm bao gồm tất cả 67 chữ (39 chữ khắc trên lưng tượng và 28 chữ khắc trên bệ tượng) cung cấp thông tin về niên đại và địa chỉ cũng như tên các tín chủ công đức.

Phiên âm 1: “Lê triều Đệ tam hoàng đế Thái Hòa Kỷ Tỵ thất niên. Bắc Giang Trung lộ, Vũ Ninh huyện, Kiệm xã tín chủ: Đào Ngân, Nguyễn Thị Biên, Nguyễn Lăng, Đào Thị Điều, Nguyễn Bế/ Bé, Nguyễn Thị Thiểu đẳng”.

Dịch nghĩa 1: Năm Kỷ Tỵ (1449) là năm Thái Hòa thứ 7 của vua thứ 3 nhà Lê. Tín chủ của xã Kiệm, huyện Vũ Ninh, lộ Bắc Giang Trung là Đào Ngân, Nguyễn Thị Biên, Nguyễn Lăng, Đào Thị Điều, Nguyễn Bế/ Bé và Nguyễn Thị Thiểu.

Phiên âm 2: Thái Hòa thất niên, tuế thứ Kỷ Tỵ, bản xã tín chủ: Đào Ngân, Nguyễn Thị Biên, Nguyễn Bế/ Bé, Nguyễn Thị Thiểu, Nguyễn Lăng, Đào Thị Điều đẳng.

Dịch nghĩa 2: Năm Kỷ Tỵ (1449) niên hiệu Thái Hòa thứ 7, các tín chủ người bản xã gồm: Đào Ngân, Nguyễn Thị Biên, Nguyễn Bế/ Bé, Nguyễn Thị Thiểu, Nguyễn Lăng và Đào Thị Điều.

Hiện tại, chỉ có hai pho tượng trong hệ thống tượng Quan Âm được khắc niên đại tại Việt Nam: Tượng Quan Âm ở chùa Cung Kiệm và tượng Phật bà Quan Âm ở chùa Bút Tháp ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Pho tượng có ý nghĩa rất quan trọng khi tìm hiểu về lịch sử Phật giáo, tạo tượng Việt Nam và tín ngưỡng thờ Quán Thế Âm Bồ tát của người Việt.

TS. Nguyễn Hữu Mạnh